Để lễ hội đẹp hơn, ý nghĩa hơn
Mùa lễ hội 2019 đã bắt đầu. Khách hành hương trong cả nước đang chuẩn bị lên đường với tâm thế được đắm mình trong không khí lễ hội với các nghi lễ tưởng nhớ cội nguồn, trò chơi dân gian, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, gia đình bình an, hạnh phúc. Thời điểm này, khách hành hương cũng đứng trước những nỗi lo: Liệu những cảnh cướp phết, tranh lộc phản cảm, nhuốm màu bạo lực có tái diễn ở mùa lễ hội năm nay?
Số lượng lễ hội được tổ chức vào dịp Tết cổ truyền nước ta lên đến hàng trăm. Từ mồng 10 tháng Giêng đến nửa đầu tháng Hai âm lịch dày kín các lễ hội. Bên cạnh những lễ hội với những hoạt động tín ngưỡng, vui chơi lành mạnh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, những năm gần đây không ít lễ hội đã được phục dựng quá đà, bị biến tướng, mất đi bản sắc truyền thống. Một số lễ hội nhuốm màu bạo lực, phản cảm đã gây bức xúc trong dư luận như lễ hội Cầu Trâu với nghi thức đập đầu trâu đến chết tại 3 xã Xuân Quang, Hương Nha và Hiền Quan (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), lễ hội Chém lợn ở Ném Thượng (Bắc Ninh), lễ hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ). Ở nhiều lễ hội khác, người ta dễ dàng bắt gặp cảnh xin xăm, bói toán, đốt vàng mã, rải, nhét tiền lẻ bừa bãi vào tượng Phật, thánh, thần; Nạn cờ bạc hay bán hàng rong chèo kéo du khách, dịch vụ kinh doanh thịt động vật hoang dã, treo móc thịt tươi sống phản cảm... Điều đáng nói là không chỉ có người dân mà không ít cán bộ, đảng viên cũng tích cực tham gia vào các lễ hội phản cảm, có tính chất bạo lực đó với mục đích cầu danh lợi chứ không phải vì giá trị nhân văn của lễ hội.
Không thể phủ nhận rằng các ban quản lý lễ hội, chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội, quyết liệt xóa bỏ những hành động phản cảm, tiêu cực; Đặc biệt, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch) liên tục phát công văn đến các địa phương yêu cầu siết chặt công tác tổ chức, nhờ vậy đã giảm dần những nghi thức phản cảm, yếu tố bạo lực, nạn cờ bạc, mê tín dị đoan,“chặt chém” du khách.
Dù yếu tố bạo lực đã bị đẩy lùi nhưng những hình ảnh xấu xí khác của lễ hội từ bao năm qua như chen lấn, xô đẩy, cướp lộc, tranh lễ, nhét tiền lẻ, sờ tượng khó có thể chấn chỉnh trong một sớm một chiều bởi nó đã ăn sâu trong tiềm thức của một bộ phận người đi lễ hội và cả những người lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân. Cần phải có thời gian để chấn chỉnh những mặt tiêu cực đó, đặc biệt là sự ngộ nhận, chưa thấu hiểu giá trị của lễ hội trong một bộ phận người dân. Việc nâng cao nhận thức và hiểu biết về văn hóa, lễ hội, tâm linh cho các ban quản lý và chính quyền cơ sở và người dân là rất cần thiết!
Để có những lễ hội đẹp và ý nghĩa, cơ quan chức năng cần tham vấn ý kiến cộng đồng, các chuyên gia để lựa chọn, bảo tồn những lễ hội có xu hướng lành mạnh, tiến bộ, phù hợp với lối sống hiện đại, kiên quyết loại bỏ những lễ hội không phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của các địa phương, không đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, không cấp phép tổ chức lễ hội tràn lan, vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh. Đã đến lúc xử lý nghiêm các hành vi “lách luật”, bất chấp các văn bản chỉ đạo, phục dụng lễ hội tràn lan, lợi dụng lễ hội để trục lợi, làm xấu đi hình ảnh văn hóa tâm linh…
Đi lễ hội cầu phúc là nét đẹp văn hóa của người Việt từ xa xưa và được lưu truyền đến hôm nay. Đi lễ hội với lòng thành và tâm thế đẹp thì lễ hội sẽ tốt đẹp. Quan niệm “một miếng lộc thánh bằng một gánh lộc trần” cần phải được nhận thức lại. Tài lộc chỉ có được từ sự nỗ lực của bản thân mỗi người chứ không phải từ sự cúng bái mê muội hoặc từ xô đẩy, tranh cướp. Lễ hội sẽ còn xấu xí nếu sự mê tín còn ăn sâu trong cách nghĩ của nhiều người.
Chỉ với tinh thần gạn đục khơi trong, nhận thức đúng đắn, khoa học về từng lễ hội và bằng những giải pháp quyết liệt và đồng bộ của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, những lễ hội xấu xí, thương mại hóa mới không còn môi trường tồn tại.
NGUYỄN TRIỆU HẢI