Để ngành du lịch bội thu
Nhiều thành phố du lịch trong cả nước vừa có một cái Tết ấn tượng với việc đón hàng ngàn lượt khách náo nức du Xuân.
Thời tiết đẹp, kỳ nghỉ kéo dài thôi thúc người dân tham gia các hành trình vui Tết đón Xuân trên khắp mọi miền là nguyên nhân khiến nhiều địa phương “bội thu”cả về doanh thu lẫn số lượng khách.
Từ 29 đến mùng 6 Tết Kỷ Hợi, Bà Rịa-Vũng Tàu đã đón 805 ngàn lượt khách, tăng 27,8% so với dịp Tết Mậu Tuất 2018. Trong đó, TP.Vũng Tàu chiếm số lượng lớn nhất với hơn 428 ngàn lượt, tăng 53% so với Tết Mậu Tuất 2018. Hà Nội đón hơn 514.000 lượt khách, tăng 10,8%; Kiên Giang đón hơn 350 ngàn lượt khách, tăng 27,4%; Đà Nẵng đón 330.000 lượt khách, tăng 11,9%; Bình Thuận đón 110.000 lượt, tăng 22%; Đà Lạt đón 300.000 lượt khách, tăng 7,5% so với Tết 2018. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã đón một lượng khách quốc tế không nhỏ đến “xông đất” trong dịp đầu năm.
Mặc dù mỗi ngày phải đón một số lượng lớn du khách nhưng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, sự chung sức của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và du khách, các thành phố trọng điểm du lịch vẫn bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và an toàn cho du khách.
Ở Bà Rịa-Vũng Tàu, bên cạnh việc chỉnh trang cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường bảo đảm xanh - sạch - đẹp, công tác đón khách tại các điểm đến du lịch đã được chuẩn bị chu đáo. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tăng cường công tác tổ chức đón tiếp khách, an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm. Hàng chục du khách bị đuối nước đã được lực lượng cứu hộ bờ biển cứu sống kịp thời. Nhiều trẻ em vì mải mê tắm biển bị lạc cũng được tìm thấy trao trả lại cho cha mẹ, người thân. Nhiều trường hợp du khách mang thức ăn, rượu, bia xuống bãi biển bị nhắc nhở, ngăn chặn kịp thời nên không xảy ra tình trạng ăn uống, xả rác ra các bãi tắm. Rác thải sinh hoạt được thu gom thường xuyên nên các bãi tắm vẫn sạch sẽ, khiến du khách hài lòng.
Các chương trình và lễ hội chào đón Tết mang không khí cổ truyền dân tộc phong phú, được các địa phương đầu tư hết sức công phu. Hội hoa Xuân, đường hoa, đường sách là những điểm đến độc đáo để du khách thư giản, thưởng ngoạn, ngắm hoa. Du khách được hòa mình vào nhiều hoạt động hấp dẫn như tìm hiểu nghệ thuật thư pháp, đờn ca tài tử, nhảy sạp, múa lân, đi cầu khỉ, vẽ heo đất, thả diều..., Họ còn được vui sướng đắm mình trong các lễ hội văn hóa gắn với du lịch và ẩm thực. Nhiều khách sạn, nhà nghỉ đã tổ chức thi gói bánh chưng, xin chữ ông đồ... để khách du lịch đến tham quan cảm thấy ấm cúng như ở nhà mình.
Đáng ghi nhận là giá cả các dịch vụ trong những ngày Tết tuy tăng mạnh nhưng về cơ bản vẫn ở trong phạm vi đăng ký giá với cơ quan chức năng nhà nước. Lát cắt “xấu” duy nhất có lẽ là scandal 2 nhà hàng ở TP.Nha Trang “chặt chém” du khách. Một nhà hàng tính giá cắt cổ “500.000 đồng cho mỗi phần trứng xào cà chua, 300.000 đồng/phần đậu bắp luộc, 200.000 đồng cho mỗi phần cơm trắng”... và một quán ăn tính giá trên trời với phần khổ qua xào giá 500.000 đồng/2 đĩa, mồng tơi xào 250.000 đồng/đĩa và su su 250.000 đồng/đĩa.
Dông dài chuyện các địa phương nỗ lực thu hút và phục vụ du khách trong dịp Tết là có lý do. Khép lại năm 2018, ngành du lịch đã đạt thành quả ấn tượng: đón 15,5 triệu lượt khách quốc tế, 80 triệu lượt khách nội địa. Đây là cơ sở để ngành công nghiệp không khói nước nhà bước lên một nấc mới với mục tiêu đón 103 triệu lượt khách trong năm 2019, trong đó có 18 triệu khách quốc tế, 85 triệu khách nội địa.
Với ngành du lịch, “bội thu” về số lượng khách chưa thể hiện được điều gì, chính doanh thu mới nói lên sức mạnh nội tại của ngành. Nếu như năm 2019, toàn ngành du lịch nỗ lực thu hút du khách bằng sự linh động, sáng tạo và đầy quyết tâm như trong dịp Tết vừa qua thì mục tiêu đón 103 triệu lượt khách quốc tế và nội địa không phải là quá khó.
Tất nhiên, để ngành du lịch “bội thu” còn nhiều việc quan trọng phải làm. Đó là phát triển đồng bộ hạ tầng du lịch, chính sách visa thông thoáng, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường công tác quảng bá xúc tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là xử lý quyết liệt nạn “chặt chém” mỗi dịp lễ, Tết. Để phòng chống nạn chặt chém, chèo kéo du khách, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý thường xuyên kiểm tra các cơ sở lưu trú, yêu cầu cam kết thực hiện du lịch văn minh, thân thiện, văn hóa, niêm yết công khai bảng giá, xử lý nghiêm những cơ sở nâng giá, chặt chém vô tội vạ.
Du lịch là ngành kinh doanh cảm xúc, nếu khách cảm thấy hài lòng, ưa thích một điểm đến nào đó, họ sẵn sàng chi tiền ở lại thêm một vài ngày. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên đây sẽ cải thiện và nâng cao hình ảnh Việt Nam, sẽ “níu chân” du khách ở lại lâu hơn, xài tiền nhiều hơn.
HẢI LĂNG