Xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam
Ngày Internet Việt Nam – Internet Day 2018 mới đây (ngày 5-12) được đánh dấu bằng những sự kiện và hoạt động thu hút sự quan tâm của dư luận và cộng đồng Internet Việt Nam.
Bắt đầu từ năm 2012, để kỷ niệm thời điểm Việt Nam chính thức hòa mạng Internet toàn cầu (ngày 19-11-1997), hàng năm, định kỳ vào dịp cuối năm dương lịch, Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức sự kiện Internet Day. Năm nay, hội thảo và triển lãm Internet Day có chủ đề “Internet và Hệ sinh thái số Việt Nam”.
Trong đó, điểm nhấn là buổi tọa đàm với chủ đề “Hệ sinh thái số Việt Nam – Người chơi và luật chơi”.
Sau hơn 20 năm chính thức hòa mạng Internet toàn cầu, hệ sinh thái và nền kinh tế số của nước ta đã tiếp nhận được nhiều cơ hội và mở ra nhiều triển vọng, nhưng đi kèm theo đó là những thách thức của hội nhập số. Trong bối cảnh làn sóng hội nhập phát triển đã và đang tạo ra những sự cạnh tranh về mô hình kinh doanh mới, chưa từng có tiền lệ. Điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp nước ta phải trang bị đầy đủ kỹ năng hội nhập trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, từ nhân lực, vật lực đến những thông lệ quốc tế. Đây không chỉ là những nhiệm vụ mang tính thời sự, có tính chất quyết định, mà còn rất thiết thực, cấp bách với cả các cơ quan quản lý cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Hơn bao giờ hết, vấn đề “người chơi” và “luật chơi” trong hệ sinh thái số cần được quan tâm và chú trọng, dù cho đó là một thị trường cụ thể, như: Vận tải, khách sạn, thương mại, hay rộng hơn là cả ngành công nghiệp Internet nội địa và hệ sinh thái số - nền kinh tế số Việt Nam.
Thực tế cho thấy, xung đột lợi ích giữa mô hình kinh doanh truyền thống với mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ đã hiện hữu trong đời sống của người dân nước ta. Nở rộ và đang có xu hướng phát triển mạnh là các dịch vụ bán hàng qua mạng. Bán hàng online, kinh doanh online hiện đang được nhiều người quan tâm, đặc biệt là lớp trẻ có đam mê kinh doanh hay những người muốn bán hàng tại nhà. Theo đó, hiện có tới 9 loại hình bán hàng online được nhiều người lựa chọn, như: Bán hàng trên facebook, bán hàng trên zalo, bán hàng qua website, bán hàng trên chợ thương mại điện tử… Điều này đã và đang tác động mạnh tới phương thức bán hàng tại các chợ truyền thống.
Trao đổi thêm về những vấn đề đã nêu ở trên, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thành Hưng cho rằng, cái mà chúng ta đang còn lúng túng chính là “luật chơi” trong hệ sinh thái số. Lấy dẫn chứng minh họa cho điều này khi nói về vụ kiện thu hút nhiều sự chú ý của dư luận giữa VinaSun và Grab, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho rằng: Đó không chỉ đơn giản là sự “xung đột” giữa một doanh nghiệp taxi truyền thống với một hãng taxi công nghệ hoạt động xuyên biên giới, mà về bản chất, đó là sự va chạm của các mô hình kinh doanh truyền thống với mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ.
Xung đột lợi ích theo những hình mô hình kinh doanh mới chắc chắn sẽ còn tiếp diễn. Nhưng liệu có tiếp tục xảy ra những vụ kiện tụng kiểu như VinaSun và Grab? Trước những áp lực và đòi hỏi cấp bách của hội nhập, tại diễn đàn chuyên đề “Hệ sinh thái số Việt Nam – Người chơi và luật chơi” Hiệp hội Internet Việt Nam đang hướng tới việc thúc đẩy chuyển dịch số với mục tiêu xây dựng hệ sinh thái và nền kinh tế số Việt Nam. Theo đó, 5 trụ cột chính trong quá trình chuyển dịch số là: Dữ liệu, kết nối, nguồn nhân lực, thanh toán điện tử và an toàn, an ninh mạng. Đồng thời, hoàn thiện thể chế pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là công nghệ thông tin - truyền thông và phát triển hạ tầng kết nối số. Sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ mới từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mang lại nhiều cơ hội cho các DN của nước ta, với kỳ vọng tạo ra sự phát triển mạnh mẽ và bền vững trong tương lai.
HOÀNG LÊ