Cải cách hành chính và chính quyền số
Tại phiên họp thường kỳ tháng 11-2018 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thêm một lần nữa cảnh báo sự trì trệ của cơ quan công quyền ở nhiều địa phương trong cả nước về trách nhiệm cải cách TTHC. Năm 2019 phải là năm tiếp tục mạnh mẽ “hành động và kiến tạo”, “đổi mới lan tỏa”, “làm sao tinh thần dân tộc được khơi dậy ngay từ đầu năm”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, các công bộc của dân còn rề rà, chậm chạp, thậm chí có hiện tượng “gây khó” cho người dân mỗi khi người dân cần đến chính quyền giải quyết một số công việc đời thường. Ví dụ, việc cấp “sổ đỏ”, tức là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân thì làm gì mà nhiêu khê, mà khó khăn đến vậy? Gây khó để “vòi vĩnh” là đẻ ra “tham nhũng vặt”, thứ “ghẻ ruồi” rất khó chịu. Thủ tướng yêu cầu năm 2019, Bộ trưởng Bộ TN-MT, Chủ tịch UBND các tỉnh phải vào cuộc, “khai thông bế tắc”, làm cho rành rọt chuyện cấp “sổ đỏ”, ở những nơi người dân bức xúc.
Một tin vui, ngày 8-11-2018, tại Nhật Bản, Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) chính thức vinh danh tỉnh Quảng Ninh với giải thưởng ASOCIO 2018 cho hạng mục chính quyền số xuất sắc. Có thể thấy, qua nhiều năm Quảng Ninh đã triển khai và áp dụng rộng rãi mô hình chính quyền số, không chỉ đem lại tiện ích, giảm phiền hà cho người dân - vượt ngưỡng TTHC, mà còn tiết kiệm hàng chục tỷ đồng ngân sách cho Nhà nước mỗi năm.
Với chính quyền số, ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng 4.0, người dân không cần đến cơ quan công quyền, ngồi ở nhà vào mạng internet thực hiện các thao tác đăng ký, từ việc cấp đổi giấy phép lái xe, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thủ tục khám chữa bệnh, đăng ký cấp sổ BHYT, thanh toán tiền điện, tiền nước, mua vé tàu xe, mua vé xem các trận bóng đá hấp dẫn… nhanh gọn, tiện lợi, an toàn, tránh chen lấn, chờ đợi, xếp hàng. Hiện nay, việc sử dụng công nghệ thông tin để thực hiện các TTHC đang trở thành thói quen với nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Tài liệu do UBND tỉnh Quảng Ninh công bố công khai trên các phương tiện truyền thông mới đây, trong 5 năm áp dụng chính quyền điện tử, người dân và DN trên địa bàn đã giảm tới 40% thời gian làm TTHC, tiết kiệm chi phí xã hội 70 tỷ đồng/năm.
Bài học chính quyền số ở Quảng Ninh đang được nhiều địa phương vận dụng đạt kết quả tích cực, giải quyết được nhiều ách tắc về TTHC, vừa nhiêu khê, vừa tốn kém thời gian, tiền bạc. Xây dựng “công nghệ chính quyền số” lợi trăm đường, đi liền với nó là công việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ tin học, trình độ số không chỉ cho cán bộ công quyền mà cho mọi công dân. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa nhắc lại tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2018: Chuyến tàu “công nghệ số”, “đoàn tàu công nghệ 4.0” đã khởi động, năm 2019 và các năm tiếp sau, những ai đứng ngoài cuộc - không gia nhập “đoàn tàu công nghệ 4.0” sẽ phải chấp nhận tụt hậu(!).
Năm 2018 sắp đi qua. Nền kinh tế vĩ mô ổn định, trong bao khó khăn bộn bề, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước vẫn đạt xấp xỉ 7%, lạm phát được kiểm soát, số lượng DN thành lập mới đạt mức cao… Đó là những thành tựu rất đáng ghi nhận, khích lệ.
Năm 2019, với Nghị quyết 01-NQ/CP của Chính phủ cũng như các quyết sách về kinh tế - xã hội trong kỳ họp tới của HĐND tỉnh BR-VT toát lên tinh thần “đổi mới - sáng tạo lan tỏa”, tiếp tục đưa đất nước ta, đưa tỉnh BR-VT vượt qua mọi khó khăn thách thức, tiến về đích hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.
HẢI VÂN