Những hình ảnh biết nói
Cách đây ít ngày, một tờ báo đăng tin “Cá nhà táng chết dạt vào bờ với 5,9kg rác nhựa trong bụng”. Bản tin này cho biết, con cá nhà táng dài 9,5m, bị chết dạt vào gần khu vực một vườn quốc gia tại Indonesia. Người ta đã thống kê được trong bụng con cá có 115 chiếc ly nhựa, 4 chai nhựa, 25 túi nhựa, 2 đôi dép cao su, một bịch ni lông và hơn 1.000 mảnh nhựa hỗn hợp khác. “Cái chết của con cá và số rác nhựa quá lớn trong bụng nó là tiếng chuông cảnh báo đặc biệt lo ngại với các nhà môi trường và các quan chức chính phủ tại Indonesia”, bản tin có đoạn.
Con cá nói trên tuy chết ở tận đâu xa, nhưng liệu chúng ta có vô can? Nhiều người có tâm lý cho rằng: mình làm lén lút không ai biết hoặc trái đất rộng lớn, đại dương bao la như vậy, mình xả chút rác ra chắc chẳng ảnh hưởng gì. Nhưng mấy ai biết trăm sông đổ về biển, tích tiểu thành đại, mỗi ngày mỗi người xả một mẩu rác ra môi trường thì trái đất, đại dương sẽ phải chịu ảnh hưởng như thế nào? Đại dương đã và đang hình thành những “đảo rác” khổng lồ, trong đó có những “đảo rác” có diện tích hàng triệu km2 với trọng lượng hàng chục ngàn tấn. Và biết đâu trong số hàng tỷ mảnh rác đang trôi nổi trên đại dương lại không có một vài mảnh rác do chúng ta xả ra? Và trong số hàng ngàn con vật đã chết vì rác lại không có mẩu rác nào do chúng ta xả ra?
Mới trưa hôm qua, trên đường về nhà, hai cha con đang nói chuyện học hành của con, tôi bỗng nghe tiếng “bịch”. Một ly nước bằng nhựa đựng trong cái bịch ni lông được người đàn ông đi trước quăng xuống vệ đường. Con tôi tỏ vẻ khó chịu: “Tại sao chú ấy không đợi đến gần thùng rác ven đường rồi để vào đó ba nhỉ. Việc này đâu có gì nặng nhọc”. Câu nói của con khiến tôi không biết phải giải thích ra sao. Bởi lẽ, hàng ngày tôi luôn dạy cháu biết để rác đúng chỗ. Vì vậy, mỗi khi ra đường mà ăn, uống, cháu thường cầm theo vỏ hộp, rác thải trên tay rồi nhắc ba mẹ dừng ở chỗ có thùng rác cho cháu để vào.
Nhưng những hình ảnh xả rác bừa bãi như của người đàn ông nói trên diễn ra rất phổ biến. Chẳng nói đâu xa, ngay nơi tôi sống cũng vậy. Nhà tôi ở một chung cư tại TP.Vũng Tàu. Cứ vài ngày, cư dân lại đưa lên nhóm facebook của chung cư hình ảnh rác thải bị ai đó bỏ ở hành lang, bỏ ở cửa thùng rác hoặc ban công. Kèm theo đó là những lời bình luận vừa bức xúc, vừa khẩn thiết kêu gọi cư dân để rác đúng nơi quy định, bởi vứt bừa bãi như vậy sẽ làm tắc đường thoát nước ở ban công hoặc gây mất vệ sinh môi trường, mùi hôi thối bay vào những căn hộ gần đó. Vậy nhưng, ai kêu gọi cứ kêu, ai xả rác vẫn xả!
Đã đến lúc cộng đồng phải thay đổi từ nhận thức đến hành động về bảo vệ môi trường. Việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cần được thực hiện cho mỗi người ngay từ khi còn nhỏ trong mỗi gia đình, nhà trường. Người lớn phải làm gương cho trẻ noi theo. Việc xây dựng ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường không chỉ dừng lại ở hành động để rác đúng nơi quy định mà còn phải bằng nhiều việc khác như: hạn chế sử dụng túi ni lông, đồ nhựa khó phân hủy, đặc biệt là phân loại rác tại nguồn.
Từ cuối tháng 11, UBND TP.Hồ Chí Minh đã triển khai đồng bộ quy định phân loại rác tại nguồn đến các hộ dân và sẽ xử phạt nặng những trường hợp không thực hiện quy định này. Để đi đến triển khai đồng bộ chủ trương trên, TP.Hồ Chí Minh đã thực hiện thí điểm ở quy mô nhỏ trong khu dân cư từ nhiều năm, với nhiều hình thức và đến nay mới làm đại trà.
Tại BR-VT, một số địa phương như TP.Bà Rịa đã có chủ trương phân loại rác tại nguồn và thực hiện thí điểm tại phường Phước Hiệp. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc thí điểm này chưa thực sự hiệu quả và chưa được nhân rộng. BR-VT có thể học tập kinh nghiệm từ TP.Hồ Chí Minh để thí điểm việc phân loại rác sinh hoạt tại nguồn ở một số địa phương, sau đó nhân rộng ra toàn tỉnh. Để làm được điều này, ngoài việc tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, Nhà nước cần đầu tư kinh phí ban đầu hỗ trợ người dân túi đựng rác, thùng chứa và bố trí con người, phương tiện thu gom rác, cũng như có đơn vị xử lý cuối nguồn riêng.
Thay đổi một thói quen, một ý thức đã ăn sâu trong tiềm thức con người là việc khó, đòi hỏi quá trình lâu dài nhưng không thể không làm. Nếu không, đời con, cháu của chúng ta sẽ phải trả giá!
NGUYỄN ĐỨC