.

Văn hóa trong bóng đá

Cập nhật: 15:58, 14/12/2018 (GMT+7)

Giải bóng đá Đông Nam Á - AFF Cup 2018 chỉ còn trận chung kết lượt về giữa đội tuyển Việt Nam và Malaysia, diễn ra trên SVĐ Mỹ Đình (Hà Nội) vào 19 giờ 30 tối 15-12 là kết thúc. Những bữa tiệc bóng đá AFF Cup 2018 ngây ngất - lửa lòng như bốc cháy từ hàng triệu trái tim người hâm mộ “túc cầu” tạm lắng xuống, và sẽ lại chờ dịp bùng lên trong những giải bóng đá tầm châu lục sắp tới, khi đội tuyển làm nên chuyện.

Niềm vui là bất tận, lòng yêu nước, tinh thần dân tộc của người Việt trong bóng đá - môn thể thao vua thật tuyệt vời, khó có môn thể thao nào, hoặc bất cứ sự kiện văn hóa nào có thể sánh bằng. Tuy nhiên, bên cạnh tình yêu bóng đá, lòng tự hào trong men say chiến thắng, không thể không bàn đến văn hóa bóng đá và những “hạt sạn” không đáng có, những hình ảnh xấu xí của một số ít người Việt hâm mộ môn thể thao này.

Xin nói ngay, đó là văn hóa mua vé xem trận chung kết lượt về. Chương trình thời sự 19 giờ tối 11-12 của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã phát một phóng sự ngắn nêu hình ảnh “tồi tệ” về những người đàn ông lớn tuổi và trung niên quá khích. Họ cầm ghế nhựa xô đẩy, đánh bật cả hàng rào cảnh sát cơ động, đạp cửa xông vào bao vây trụ sở Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) để đòi mua vé, tạo nên khung cảnh hỗn loạn như chốn không người.

Tại sao lại có cách hành xử kém văn hóa đến vậy? Có thể cung cách bán vé trận chung kết lượt về của VFF (bán qua mạng, bán trực tiếp tại quầy) chưa khoa học, chưa minh bạch, còn có những điều cần rút kinh nghiệm, nhưng cách hành xử của một bộ phận người như vừa nêu là không thể chấp nhận được. Thật nhói lòng cho người có lòng tự trọng, khi xướng ngôn viên VTV đã phải thốt lên trong phóng sự này: “Hình ảnh các chú, các bác lớn tuổi đập cửa xông vào bao vây trụ sở VFF không thể làm gương, không bao giờ là tấm gương soi cho các bạn trẻ vốn đáng tuổi con, tuổi cháu”. Ở trận vòng bảng AFF Cup 2018, khi VFF mở cửa bán vé vào SVĐ Mỹ Đình cũng đã diễn ra cảnh CĐV xô đẩy, chen lấn không giống ai.

Chúng ta hãy bình tĩnh nhìn các CĐV Myanmar trật tự xếp hàng dưới bầu trời nắng gắt để mua vé vào sân xem trận đấu giữa hai đội tuyển Myanmar - Việt Nam tại vòng bảng hơn 2 tuần trước đây mới thấy, họ có văn hóa xếp hàng, biết nhường nhịn, người già được người trẻ mời lên đứng hàng đầu, thật đáng học tập. Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Biết vậy, nhưng những người đàn ông Việt lớn tuổi chen lấn, đập cửa hung hăng xông vào trụ sở của VFF mà phóng sự VTV đã nêu, nếu biết nhìn qua Myanmar sẽ thật đáng xấu hổ lắm thay!

Nhân chuyện này, lại nhớ hàng trăm công dân Nhật Bản trật tự trong im lặng xếp hàng trước các cửa hiệu chờ nhận hàng cứu trợ sau thảm họa động đất - sóng thần mấy năm trước. Đối với người Nhật, chỉ 2 - 3 người mua hàng, mua vé… là họ tự động xếp hàng. Trên đường phố, dù là giờ cao điểm, kẹt xe cũng không có cảnh xô đẩy, chen lấn, xe hai bánh chạy ào lên vỉa hè như tại các đô thị Việt Nam, để mong tranh giành cho mình sớm hơn người chỉ nửa mét đường!

Đó là chưa kể sau mỗi trận đội tuyển Việt Nam giành thắng lợi, đây đó có không ít người quá khích lấy danh nghĩa ăn mừng chiến thắng, xuống đường đi “bão”, đốt pháo sáng, chạy xe ngược chiều, không đội nón bảo hiểm, nẹt pô, đua xe, lạng lách, dễ gây tai nạn giao thông.

Xếp hàng, cổ vũ đội tuyển, ăn mừng chiến thắng - những điều tưởng chừng đơn giản ấy đều chứa trong lòng nó hai chữ VĂN HÓA theo đúng nghĩa của nó. VĂN HÓA cần được giáo dục khi còn cắp sách đến trường. VĂN HÓA chính là sự tôn trọng người khác, tôn trọng chính mình. VĂN HÓA tạo ra sức mạnh to lớn của một dân tộc. VĂN HÓA làm nên chiến thắng.

VĂN HÓA trong bóng đá không có chỗ đứng cho sự quá khích, ăn thua đủ, tiểu xảo và gây rối trật tự công cộng!

TRIÊU DƯƠNG

.
.
.