.

Vinh dự và trách nhiệm của người thầy giáo

Cập nhật: 15:36, 19/11/2018 (GMT+7)

Ngày 20-11 không chỉ là ngày truyền thống của ngành giáo dục mà còn là ngày hội của toàn dân, ngày tri ân những người đã cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” cao cả.

Thầy cô giáo là lực lượng quyết định thành công của một nền giáo dục. Đội ngũ người thầy có trách nhiệm ươm mầm tương lai cho dân tộc; định hướng, dẫn dắt các thế hệ trẻ từng bước nắm bắt những tri thức đỉnh cao và chân lý của thời đại; “Chăm lo dạy dỗ con em của nhân dân thành những công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt”. Vinh dự của người thầy càng lớn thì trách nhiệm càng phải lớn hơn không chỉ trước các thế hệ học sinh, phụ huynh học sinh mà còn trước tương lai của một dân tộc. Với lòng tự trọng nghề nghiệp, người thầy còn có trách nhiệm đền đáp lại sự quan tâm, chăm lo, quý trọng của Đảng, Nhà nước, nhân dân và của các thế hệ học sinh, sinh viên thân yêu dành cho mình.

Nhiều năm qua, nền giáo dục đã xuất hiện biết bao tấm gương sáng về trách nhiệm, tâm huyết, gương mẫu của người thầy. Dù đời sống còn khó khăn, nhưng phần lớn đội ngũ thầy cô giáo vẫn ngày đêm miệt mài trên bục giảng, thắp sáng tâm hồn cho các thế hệ học trò. Hàng vạn nhà giáo đã và đang hy sinh tuổi thanh xuân, chấp nhận xa gia đình, quê hương đi theo tiếng gọi của con tim, âm thầm “cõng con chữ lên non”, về với các em ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, bám bản, bám lớp, bám trường. Không ít thầy cô giáo chia sẻ phần thu nhập không lớn của mình giúp những học sinh nghèo vượt khó. Phần lớn thầy cô giáo không hề mảy may nghĩ về mình, mà ở họ hạnh phúc và mãn nguyện nhất là khi các thế hệ học trò chăm ngoan, học giỏi, trưởng thành, trở thành những công dân hữu ích, tỏa đi muôn phương phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhưng chúng ta không khỏi lo âu trước những khuyết điểm trong ngành giáo dục, dù biết rằng đó chỉ là “con sâu” nhưng đã làm cho danh dự bị tổn hại: Một bộ phận thầy cô còn “thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp”; Bạo lực học đường vẫn diễn ra; Hiện tượng gian lận trong thi cử, mua bằng, bán điểm vẫn xuất hiện; Biết bao năm nói không với bệnh thành tích, hư danh, vậy mà không ít nơi còn mắc phải… Với lòng tự trọng và trách nhiệm, người thầy hãy dũng cảm nhận lấy về mình, cho dù rất đau xót, nhưng đấy là bài học giúp mỗi người nghiêm khắc phòng tránh, đấu tranh, sửa chữa và tiến bộ.

Nghề giáo là nghề đặc biệt và công cụ lao động của người thầy cũng đặc biệt: Tri thức uyên bác, tâm hồn trong sáng, hành vi nhân ái, trái tim đôn hậu, yêu nghề cháy bỏng và phong cách tiêu biểu để dạy người, dạy chữ, dạy nghề, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu. Trong bối cảnh đang thực hiện Nghị quyết TW8, khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo, người thầy phải vươn lên tự hoàn thiện mình về phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, phương pháp sư phạm, đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, phong cách sống, yêu nghề, yêu trẻ, đủ bản lĩnh để vượt qua mọi cám dỗ. Hơn ai hết, người thầy cần ghi nhớ lời Bác “Phải học tập mãi thì mới làm tốt được công việc của mình”, xứng đáng với nghề giáo thiêng liêng; với sự tôn vinh, niềm tin, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, nhân dân và của chính các em học sinh, sinh viên.

NGUYỄN QUANG PHI

 

.
.
.