.

Gỡ "thẻ vàng" thủy sản, "giờ G" không còn xa!

Cập nhật: 17:58, 13/11/2018 (GMT+7)

Những ai quan tâm đến vấn đề về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và triển khai khuyến nghị của EC hẳn sẽ vui và an tâm phần nào khi biết rằng từ tháng 7-2018 đến nay, không có trường hợp nào tàu cá của ngư dân trong tỉnh bị nước ngoài bắt giữ về hành vi xâm phạm vùng biển nước ngoài. Trước đó, trong 3 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh chỉ xảy ra 1 vụ với 3 phương tiện có 25 ngư dân vi phạm, giảm 6 vụ với 7 tàu và 54 ngư dân so với cùng kỳ năm ngoái.

Có thể coi đây là một tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ sự chuyển biến trong nhận thức của ngư dân trong tỉnh về việc không xâm phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt trái phép theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng.

Những năm gần đây, BR-VT là một trong những địa phương có số lượng lớn ngư dân, tàu thuyền vi phạm đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài. Từ năm 2013 đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 171 tàu với tổng số 1.336 ngư dân bị bắt giữ, trong đó cao điểm là năm 2017 với 80 tàu và hơn 500 ngư dân. Hành vi xâm phạm vùng biển nước ngoài đã gây hệ lụy xấu về nhiều mặt: nhiều chủ tàu, ngư dân không chỉ bị tịch thu tàu thuyền, phương tiện đánh bắt mà còn bị phạt tù và phạt tiền, nợ nần chồng chất, cuộc sống lâm vào cảnh khó khăn.

Ngày 23-10-2017, EC ra thông báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam, gây thiệt hại lớn cho ngành khai thác, chế biến thủy sản nước ta. Trước tình hình đó, lãnh đạo tỉnh, các sở ngành chức năng đã nghiêm túc rà soát, chấn chỉnh những bất cập, coi việc cảnh báo “thẻ vàng” của EC là cơ hội để sắp xếp, chấn chỉnh lại hoạt động khai thác hải sản, phù hợp với thông lệ quốc tế; để nghề cá phát triển bền vững. Một loạt các giải pháp mạnh nhằm chấm dứt tình trạng xâm phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản đã được tỉnh triển khai: Không cấp giấy phép khai thác thủy sản; không cho đóng mới đối với chủ tàu có tàu cá tái phạm, tàu cá bị bắt giữ chuộc, thả hoặc trốn về nước; đình chỉ vĩnh viễn đối với tàu cá tái phạm; Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho chủ tàu, ngư dân hiểu rõ các quy định về ranh giới phân định trên biển giữa Việt Nam và các nước trong khu vực; nâng cao nhận thức cho ngư dân tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế cũng như các biện pháp bảo tồn nguồn lợi thủy sản hướng tới khai thác bền vững; yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản trái phép.

Trên bình diện cả nước, tất cả các tỉnh duyên hải cũng đã triển khai quyết liệt các hoạt động liên quan đến chống khai thác IUU, trong đó chú trọng tăng cường tuyên truyền,nâng cao nhận thức cho ngư dân trong việc thực hiện đánh bắt có trách nhiệm, tạo được những chuyển biến tích cực trong hoạt động nghề cá.

Vấn đề là từ sau thời điểm rút “thẻ vàng”, đoàn công tác của EU đã 2 lần sang kiểm tra thực tế tại Việt Nam về việc khắc phục IUU theo khuyến nghị của EC. Mặc dù ghi nhận những nỗ lực và tiến bộ của Việt Nam nhưng EC vẫn cho rằng tình hình chưa được cải thiện đáng kể và đó là lý do để EU quyết định kéo dài “thẻ vàng” với hải sản Việt Nam đến tháng 1-2019.

EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam - luôn chiếm trên 17% tổng kim ngạch xuất khẩu trong 3 năm qua. Những tác động tiêu cực từ chiếc “thẻ vàng” đã đẩy xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào EU từ vị trí số 1 trong năm 2017 xuống thứ 4 trong 6 tháng đầu năm 2018. Và tới đây, nếu như bị “cấm cửa”, Việt Nam sẽ mất đi một trong những thị trường xuất khẩu thủy sản lớn với doanh số 350 - 400 triệu USD/năm, một bộ phận lao động nghề cá sẽ đối mặt với nguy cơ mất việc làm, nhiều DN chế biến và xuất khẩu sẽ gặp khó khăn do nguồn nguyên liệu không ổn định…

Gỡ “thẻ vàng” là nhiệm vụ cấp thiết đối với ngành thuỷ sản Việt Nam và để đạt được điều này, từ đây đến tháng 1-2019, ngành phải đáp ứng những yêu cầu mà EU đòi hỏi: Thực hiện nghiêm các quy định liên quan tới công tác quản lý, cấp phép, quản lý tàu cá, quản lý cảng cá, nhất là việc xác nhận nguồn gốc và tính hợp pháp của các hải sản, bảo đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm hải sản vào EC.

EU có xem xét gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam hay không tuỳ thuộc vào nhận thức của ngư dân, của DN và của cả cơ quan quản lý bởi chỉ có thay đổi thực chất về nhận thức, mới có thể thay đổi được hành động. Nếu những nỗ lực của Việt Nam vẫn chưa đủ để được EC công nhận,“thẻ vàng” sẽ chuyển màu và điều đó sẽ đồng nghĩa đồng nghĩa với việc “cấm cửa” thuỷ sản Việt Nam vào thị trường này.

NGUYỄN TRIỆU HẢI

.
.
.