Dẹp loạn "tín dụng đen"
Nhiều tỉnh thành trong cả nước đang ra quân trấn áp mạnh các ổ nhóm tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, hoạt động có tổ chức kiểu xã hội đen, núp bóng doanh nghiệp để bảo kê, đòi nợ thuê.
Lực lượng cảnh sát hình sự các tỉnh Gia Lai, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương triển khai nhiều biện pháp, bước đầu thu được một số kết quả tích cực đáng ghi nhận: Bắt giữ, truy tố, xử lý hình sự nhiều đối tượng liên quan đến hoạt động cho vay với lãi suất “cắt cổ”.
Để có cơ sở triệt phá các băng nhóm cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, lực lượng chứng năng đã ráo riết kiểm tra hành chính những cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, “hỗ trợ tài chính”, cho vay tín chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, tập trung chú ý các thành phần có tiền án tiền sự về bắt giữ người trái pháp luật, giết người, hủy hoại, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích; Lập hồ sơ tất cả những đối tượng, ổ nhóm nghi vấn, gọi hỏi những đối tượng nằm trong diện này để răn đe, phòng ngừa, yêu cầu cam kết không vi phạm.
“Tín dụng đen” thực chất là một hình thức cho vay nặng lãi, mức lãi suất có khi lên đến 200-300%/năm, thậm chí 700%/năm nếu vay qua online (trực tuyến) được ngụy trang dưới nhiều hình thức khác như cầm cố, thế chấp tài sản, mua hàng trả góp có giá trị lớn sau đó bán lại cho các chủ nợ. “Tín dụng đen” ra đời kéo theo sự xuất hiện của đội quân đòi nợ thuê bất hợp pháp. Điều đáng nói là không ít công ty thu nợ được thành lập hợp pháp cũng lao vào hoạt động phi pháp này. Không chỉ khủng bố tinh thần bằng cách tạt sơn, mắm tôm, dầu nhớt, các băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” còn bắt cóc, đánh đập, tra tấn, thậm chí tước đoạt mạng sống con nợ… Thống kê của Bộ Công an cho thấy, 5 năm qua, cả nước xảy ra hơn 6.000 vụ việc liên quan đến “tín dụng đen” (trung bình mỗi ngày có 4 vụ vỡ nợ tín dụng đen). Hoạt động “tín dụng đen” đã dẫn đến nhiều hệ quả nghiêm trọng: Có 41 vụ giết người, 588 vụ cướp tài sản, hơn 1.000 vụ cưỡng đoạt tài sản, hơn 300 vụ cố ý gây thương tích. Nhiều người đã tan cửa, nát nhà - thậm chí mất mạng vì mắc bẫy “tín dụng đen”.
Lo ngại tình trạng đòi nợ thuê biến tướng mang tính chất “xã hội đen” ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, TP. Hồ Chí Minh mới đây đã kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ, đưa loại hình hoạt động đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh. Nếu không thể cấm thì đề nghị Trung ương ban hành các quy định bắt buộc để siết chặt điều kiện kinh doanh, nhằm quản lý tốt vấn đề về an ninh trật tự và bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân.
Những nỗ lực nhằm đẩy lùi, xóa bỏ hoạt động “tín dụng đen” của các tỉnh, thành, lực lượng chức năng đã được người dân ghi nhận và đánh giá cao. Tuy vậy việc ngăn chặn, triệt phá các ổ nhóm “tín dụng đen” cũng chỉ là giải pháp phần ngọn. Cái gốc của vấn đề vẫn là sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại trong việc tạo điều kiện để người dân tiếp cận dễ dàng “cánh cửa nhà băng”.
Với trách nhiệm của mình, các phương tiện truyền thông, có thể chỉ ra các phương thức, thủ đoạn, chiêu trò… của tín dụng đen để người dân biết, hiểu, từ đó tăng cường cảnh giác, không tham gia vay tiền của dân xã hội đen; các cơ quan pháp luật ra quân triệt phá những băng nhóm cho vay nặng lãi. Cũng như thế, với trách nhiệm của mình, các tổ chức ngân hàng cần bắt tay rà soát lại các văn bản pháp quy và các quy trình vay tín dụng tiêu dùng, đa dạng hoá các sản phẩm, dịch vụ tín dụng giúp người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn chính thống, góp phần hạn chế vấn nạn “tín dụng đen” âm thầm giăng bẫy trong đời sống người dân.
Khi cánh cửa nhà băng chính thống rộng mở, hỗ trợ kịp thời nhu cầu vay vốn cho người có thu nhập thấp, người nghèo không có tài sản giá trị để thế chấp, các ổ nhóm hoạt động “tín dụng đen” sẽ không còn đất sống.
NGUYỄN TRIỆU HẢI