.

Miệng đời oan nghiệt

Cập nhật: 19:05, 22/10/2018 (GMT+7)

Mấy ngày qua, dư luận không khỏi bàng hoàng trước tin một gia đình 4 người gồm 2 vợ chồng và 2 con ở Hà Tĩnh tự tử “vì bế tắc trong cuộc sống”. Một trong những nguyên nhân của vụ việc thương tâm này được hé lộ trong bức thư tuyệt mệnh mà người vợ để lại là do người chồng vào tỉnh Quảng Bình lấy trộm điện thoại và bị công an bắt giữ. Sau đó, người chồng được cho tại ngoại để tiếp tục điều tra, xác minh. Sự việc bị hàng xóm đồn đoán, lời ra tiếng vào, cộng với áp lực nợ nần từ việc vay tiền xây nhà nên họ nghĩ quẩn và tìm đến cái chết. 

Tháng trước, chị tôi ở quê gọi điện khóc lóc, nhờ tôi can thiệp công an, vì con chị - mới 13 tuổi - bị người cô ruột nghi ngờ lấy trộm một khoản tiền lớn. Người cô ấy báo công an. Vậy là cả gia đình cháu cùng bị công an mời lên làm việc, rồi về nhà khám xét trước sự chứng kiến của làng xóm. Công an không tìm ra bằng chứng, cháu vô tội, được trả về ngay trong ngày. Cháu tôi không phạm tội thì đã rõ, nhưng thủ phạm thì vẫn nhởn nhơ. Vậy là cái nghi án ấy vẫn còn treo trên đầu cháu tôi và gia đình. Chị tôi bảo, điều chị buồn nhất là sau khi xảy ra vụ việc, làng xóm bàn tán xôn xao, đi đến đâu, chị cũng cảm giác người ta đang chỉ chỏ, nói con mình là thằng ăn cắp. Đó là chưa kể, sau sự việc, tình cảm của vợ chồng anh chị với cô em gái cũng rạn nứt. “Vết thương tinh thần này lớn lắm, biết bao giờ mới lành đây hả cậu?”, chị uất nghẹn. 

Những vụ tự tử vì áp lực từ dư luận, từ những lời đồn thổi, chê bai của người thân, hàng xóm, bạn bè… xảy ra khá phổ biến: Một em học sinh bị nghi lấy trộm tiền của bạn, mới chỉ được nhà trường mời lên làm rõ, đã bị bạn bè dị nghị, nhìn bằng ánh mắt dò xét, ngờ vực, đã tìm đến cái chết. Em khác, do không đậu đại học, bị cha mẹ chê trách cũng quyết định tự vẫn. Những em khác, người thì bị bạn bè ghép ảnh chế nhạo, người bị bạn bè đưa hình ảnh, clip nhạy cảm lên mạng xã hội cũng tìm đến cái chết vì cảm thấy bị “xúc phạm”.

Người xưa có câu: “Trăm năm bia đá thì mòn/Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Bia đá tuy chắc chắn, bền lâu, vẫn có thể mòn theo thời gian nhưng bia miệng - dư luận xã hội thì có sức sống lâu bền hơn, nhất là tiếng xấu thì biết bao giờ mới gột rửa cho sạch? Người Việt có truyền thống trọng đạo lý, danh dự. Vì vậy, khi danh dự bị xúc phạm quá mức chịu đựng, nạn nhân tìm đến cái chết là điều khó tránh.

Tôi đọc được câu chuyện trên mạng, xin tóm tắt như sau: Thấy cậu con trai mỗi lần giận giữ lại nói hoặc làm điều tổn thương người khác, người cha đưa cho cậu chiếc búa, túi đinh và dặn khi tức giận, con hãy đóng đinh lên cột nhà. Đóng xong, cơn giận của con sẽ nguôi ngoai. Người con làm theo lời cha. Ít lâu sau, cậu thấy rằng, việc đóng đinh lên cột là không cần thiết vì cậu đã kiềm chế được cơn nóng giận. Người cha lại bảo con nhổ hết những chiếc đinh đó ra. Sau đó, ông chỉ vào những lỗ đinh để lại trên cột và nói: “Con hãy nhìn cái cột mà xem, nó không còn nguyên vẹn như trước nữa. Tương tự, nếu con nói điều gì trong cơn giận dữ, những lời nói đó cũng giống như những lỗ đinh này, để lại những vết thương trong lòng người khác. Dù sau đó con có nói bao nhiêu lần xin lỗi đi nữa, vết thương đó vẫn còn ở lại”. 

Bài học của người cha thật sâu sắc và ý nghĩa. Đáng tiếc, trong xã hội hiện đại, tình cảm, mối quan hệ giữa con người với nhau ngày càng lỏng lẻo. Người ta thờ ơ với nhau đến mức vô cảm. Mỗi khi nghe thông tin xấu về ai đó, nhiều người chẳng hề quen biết đã vội bình luận, chửi bới, mạt sát mà chẳng biết thông tin đó đúng hay sai, đã được kiểm chứng hay chưa? Khi sự việc sáng tỏ, biết rõ nạn nhân bị oan nhưng có mấy ai dám mở lời xin lỗi? Hoặc khi hối hận thì đã muộn. 

Trong cuộc sống, có những việc chúng ta không nhìn thấy, thậm chí có nhìn thấy trước mặt, nhưng chưa chắc đã đúng về bản chất. Một câu nói có thể quyết định đến tương lai, sự sống còn của một con người, một gia đình. Vậy thì ta càng phải cân nhắc, suy nghĩ thật kỹ trước khi nói, và chỉ nên nói ra những điều tốt đẹp mà thôi. “Mẹ, mẹ ơi! Cô dạy: Cãi nhau là không vui/Cái miệng nó xinh thế/Chỉ nói điều hay thôi”, đó là một đoạn trong bài thơ “Cô dạy” từ lớp 1, đến nay tôi vẫn còn nhớ.

NGUYỄN ĐỨC 

.
.
.