.

Hướng đi nào cho cây điều?

Cập nhật: 16:44, 21/10/2018 (GMT+7)

Những ngày này, ông Nguyễn Văn Hiền (thôn Bình Sơn, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) đang thuê nhân công chặt bỏ hơn 1ha diện tích trồng cây điều để chuyển đổi sang trồng cây mãng cầu. Nhiều người tỏ ra xót xa, cây điều trồng 3-4 năm mới cho thu hoạch, giờ chặt bỏ đi thật là tiếc cho công sức người trồng. Nhưng theo ông Hiền, chặt bỏ cây điều để trồng mãng cầu là điều cần thiết.

 Bởi những năm gần đây cây đã già cỗi, năng suất giảm mạnh, chỉ bằng ½ so với trước. Nhiều nông dân có diện tích trồng điều lớn tại Châu  Đức, Xuyên Mộc cũng giống như ông Hiền, họ không thể trông chờ phát triển kinh tế gia đình từ cây điều, bởi điều liên tiếp mất mùa, dù giá bán cao vẫn không bù đắp được chi phí bỏ ra. Theo đó, diện tích trồng cây điều trên địa bàn tỉnh liên tiếp giảm mạnh, riêng từ năm 2017 đến nay giảm hơn 550ha.

Những năm qua, câu chuyện nông dân luẩn quẩn trong vòng “trồng – chặt”, “chặt – trồng” không phải là chuyện lạ. Tuy nhiên với cây điều, nông dân chặt nhiều hơn trồng. Sản xuất thiếu bền vững, trong khi đó ngành chế biến hạt điều cũng chưa phát triển đã khiến cho cây điều – một trong những cây công nghiệp chủ lực của tỉnh dần bị “lép vế”. Thống kê của Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) cũng cho thấy, 30% diện tích vườn điều hiện nay đã già cỗi. 80% diện tích cây điều không rõ nguồn gốc, năng suất thấp, tuổi đời cũng đã lên tới 15-20 năm! Ngoài yếu tố thời tiết không thuận, cây điều già cỗi khiến sản lượng điều toàn tỉnh chỉ đáp ứng 25% nhu cầu sản xuất, còn lại phải phụ thuộc nguồn nhập khẩu. Tại BR-VT, có 2.000ha/9.100ha diện tích điều đã già cỗi, sâu bệnh.

Hiện ngành điều BR-VT nói riêng cũng như cả nước nói chung đang “loay hoay” tìm hướng đi cho cây điều. Mục tiêu của cả nước sẽ nâng cao giá trị hạt điều, định vị thương hiệu điều Việt Nam trên thế giới, đưa giá trị thương mại của toàn ngành lên khoảng 4 tỷ USD trong năm 2019. Còn tại BR-VT, đến năm 2020 diện tích điều khoảng 8.000ha, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng năng suất, chất lượng cho cây điều đến năm 2020 đạt trên 1,5 tấn/ha và sản lượng đạt trên 11.500 tấn/năm. Để đạt mục tiêu trên, ngành nông nghiệp phấn đấu 100% diện tích trồng mới đều sử dụng giống điều chất lượng cao, đẩy mạnh các biện pháp thâm canh để tăng năng suất, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nông dân tái canh vườn điều.  Đồng thời, Sở NN-PTNT cũng tăng cường phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu cây ăn trái miền Đông Nam bộ nhân giống điều mới để cung ứng cho người dân; tổ chức các lớp tập huấn về quản lý dịch bệnh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật...   

Tuy nhiên, để làm được điều đó là điều không đơn giản. Lâu nay, ngành chế biến hạt điều vẫn quanh quẩn trong vòng làm gia công. Hiện việc chuyển đổi sản xuất từ lượng sang chất theo hướng đầu tư chế biến sâu của DN ngành điều trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, đa số các cơ sở chế biến điều có quy mô nhỏ, lẻ và chủ yếu vẫn làm hàng gia công. Ngành điều của tỉnh cũng chưa xây dựng được thương hiệu hạt điều lớn nào tại cả thị trường xuất khẩu và nội địa. Dòng hàng chế biến sâu như điều rang muối, điều chiên bơ, điều tẩm gia vị hay bánh kẹo hạt điều... chủ yếu chỉ có một số ít cơ sở nhỏ, lẻ. Số DN thực hiện truy xuất nguồn gốc từ trang trại đến bàn ăn, sản xuất sạch hơn, chế biến sâu hơn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

 Để cây điều phát triển bền vững vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhưng không phải là vấn đề quá khó. Tỉnh phải vào cuộc quyết liệt, có sự đầu tư rõ ràng, tập trung những nhóm giải pháp như chế biến chuyên sâu, liên kết sản xuất nhằm tăng trưởng tốc độ sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị hạt điều. Có như vậy, nông dân trồng điều mới yên tâm sản xuất, không còn luẩn quẩn trong vòng “trồng – chặt” nữa!

NGÔ GIA

 

.
.
.