Nói thẳng với nhau
Báo Vũng Tàu Chủ nhật số ra ngày 11-11-2018 đăng bài “Loại bỏ những hành vi xấu xí”. Bài báo điểm lại hàng loạt những hành vi không đẹp của một bộ phận người Việt khi đi du lịch trong nước cũng như ở nước ngoài, qua đó đề nghị cơ quan chức năng tăng cường giáo dục, tuyên truyền lối sống văn minh, có ý thức bảo vệ những công trình văn hóa; đề nghị xử lý nghiêm những hành vi ứng xử thiếu văn minh để răn đe. Đặc biệt, cần triển khai sâu rộng Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch đến mọi tầng lớp nhân dân.
Nhân đây xin bàn thêm về những thói xấu của một bộ phận du khách Việt ở nước ngoài.
Kinh tế khá lên, người Việt đi du lịch nước ngoài ngày càng nhiều hơn. Số liệu thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho thấy, năm 2016 có khoảng 6,5 triệu lượt người Việt Nam đi du lịch nước ngoài. Trong thời gian ngắn ngủi ở xứ người, một bộ phận du khách Việt đã bộc lộ nhiều hành vi, cử chỉ không mấy hay ho khiến thiên hạ nhìn như thể “người ngoài hành tinh”! Chung quanh vấn đề này, nhà văn Trần Thị Trường - người thường xuyên đi du lịch và làm việc tại nhiều nước trên thế giới cho rằng “hãy nói thẳng với nhau một lần để không thêm đau đớn!”.
Đúng là hình ảnh của đất nước sẽ tiếp tục xấu đi nếu hôm nay không nói thẳng với nhau về những thói xấu đó. Ăn mặc hở hang nơi công cộng, thường xuyên đi trễ, khạc nhổ bừa bãi, ăn uống phàm phu, nói cười dung tục, trốn vé tàu điện, vé tham quan, trốn ở lại nước ngoài, đạp lên cỏ, hái hoa, trèo lên tượng… bất chấp bảng cấm để chụp hình; không chịu nghe thuyết minh, ít chịu tìm hiểu lịch sử, văn hóa xứ người… là những thói xấu của nhiều du khách Việt.
Trước vấn nạn ăn cắp vặt của một số du khách Việt, các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan… đã trưng biển cảnh báo bằng tiếng Việt “Ăn cắp vặt là phạm tội; Camera phòng chống tội phạm đang hoạt động”. Nhà chức trách Singapore, Malaysia và gần đây cả Thái Lan còn kiểm tra, thẩm vấn gắt gao, thậm chí từ chối cho phép nhập cảnh các cô gái Việt ăn mặc hở hang, dù họ có đầy đủ giấy tờ tùy thân.
Ra nước ngoài tham quan, giao lưu, học hỏi… đã và đang trở thành nhu cầu thiết thực của người dân. Con số mỗi năm hàng triệu người Việt Nam xuất ngoại đã cho thấy điều đó nhưng đáng tiếc, những hành vi xấu xí nói trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh đất nước, khiến cộng đồng phải bức xúc.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Vũ Thế Bình đã chia sẻ nỗi lo rằng, lâu nay du khách Trung Quốc được biết đến với nhiều hành vi xấu. Tuy nhiên gần đây du khách Việt cũng đang có những dấu hiệu tương tự, nếu không có sự vận động, chấn chỉnh, hình ảnh du khách Việt cũng sẽ xấu xí trong mắt bạn bè quốc tế như khách Trung Quốc.
Đi đứng, xếp hàng, giao tiếp nơi công cộng, mua hàng trong siêu thị, lấy thức ăn ở nhà hàng… là văn minh, văn hóa. Nhìn ra được chiều sâu của những câu chuyện trên là chúng ta đã “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” cho bản thân mình. Và những hành vi văn minh, văn hóa vô hình ấy sẽ chuyển thành giá trị vật chất hữu hình cho cả một đất nước.
Nhập gia tùy tục. Đi du lịch, học tập hoặc làm việc là để khám phá, học hỏi, tiếp thu cái văn minh, hiện đại, cái hay, cái đẹp của xứ người thì chúng ta cũng nên có những ứng xử phù hợp, góp phần làm nên sự văn minh, hiện đại ấy. Nếu mỗi người trong chúng ta có chút suy nghĩ về vị thế và hình ảnh của đất nước thì chắc chắn sẽ hành động khác đi.
Bộ VHTTDL đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch, áp dụng cho khách du lịch là người Việt Nam đi du lịch trong nước và nước ngoài; người nước ngoài đi du lịch Việt Nam; các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch và cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch. Bộ Quy tắc ứng xử này đã và đang được các địa phương, các DN triển khai đến người dân và du khách. Điều quan trọng là hướng dẫn viên du lịch cần nhắc nhở, lưu ý về phong tục tập quán, cách thức giao tiếp, ứng xử của người dân đất nước nơi đến. Bởi như các chuyên gia du lịch khuyến cáo, nếu được nhắc nhở, cảnh báo kịp thời, du khách Việt Nam có thể giảm đến 3/4 khả năng vi phạm.
NGUYỄN TRIỆU HẢI