Trách nhiệm cán bộ nêu gương
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, thời gian qua, thực hiện nhiều quy định của Đảng, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên đã được nâng lên, tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc, ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Tuy có những chuyển biến tích cực như vậy, nhưng thẳng thắn nhìn nhận, kết quả trách nhiệm nêu gương thu được còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa thật sự gương mẫu, thiếu trung thực, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Có cán bộ cấp cao dung túng vợ con, anh chị em ruột, người nhà, người thân núp bóng để trục lợi, thu vén bằng nhiều mánh khóe. Không ít cán bộ cấp cao vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Quy định trách nhiệm cán bộ nêu gương trình Hội nghị Trung ương 8 quy định, cán bộ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, coi lợi ích dân tộc - quốc gia là tối thượng, thực sự gần dân, tin dân, trọng dân, học dân, nghe dân, nói dân hiểu, làm dân tin. Một trong những điểm mới trong quy định trách nhiệm nêu gương là cán bộ cấp cao chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín, biểu hiện chạy chức, chạy quyền, lạm quyền, lợi ích nhóm, lập sân sau… để thao túng, thâu tóm quyền lợi; để người nhà, người thân trục lợi, sống xa hoa; để khu vực mình phụ trách không hoàn thành nhiệm vụ chính trị hoặc xảy ra mất đoàn kết kéo dài, để cán bộ dưới quyền tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…
Quy định nêu gương chỉ rõ: Cán bộ cấp càng cao càng phải nêu gương, thể hiện tính cấp bách, trách nhiệm nêu gương trong tình hình hiện nay đối với cán bộ cấp chiến lược, đặt ra sự cần thiết hơn bao giờ hết. Nhấn mạnh trách nhiệm nêu gương của cán bộ cấp cao không có nghĩa là cán bộ các bộ, ban, ngành, các địa phương, cán bộ cấp cơ sở lơ là trách nhiệm nêu gương. Bởi những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, tự chuyển biến, tự chuyển hóa không loại trừ một ai, không loại trừ bất cứ cấp nào, ở cấp nào cũng nguy hại đến uy tín, thanh danh của Đảng. Các Nghị quyết về công tác xây dựng Đảng đã chỉ rõ điều này.
Lúc sinh thời, Bác Hồ là người mẫu mực về trách nhiệm nêu gương. Người nói: “Dân tộc Việt Nam giàu tình cảm và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Rằng “Xã hội ta quản lý phải thông qua pháp luật, nhưng nêu gương là vô cùng quan trọng, bởi nó là đạo đức, là mối quan hệ vốn có giữa người với người”. Bác Hồ nhắc nhở: “Mỗi cán bộ, đảng viên tự mình phải chỉnh trước, mới giúp được người khác chỉnh”; “Đối với chữ cần, chữ kiệm, chữ hy sinh, chữ công bằng, các bạn phải thực hành trước, phải làm gương cho dân chúng noi theo”.
Quy định trách nhiệm nêu gương, từng thời gian, cán bộ tự phê bình và phê bình, tự kiểm điểm và kiểm điểm, đánh giá trung thực để xem xét xử lý, đánh giá về mức độ uy tín. Điều mà dư luận, xã hội mong chờ, được chính Hội nghị Trung ương 8 bàn tính, đó là những biện pháp chế tài, buộc trách nhiệm nêu gương không dừng lại ở sự hiệu triệu, lời kêu gọi. Quy định nêu gương phải là một công cụ hữu hiệu để kiểm soát quyền lực. Một số quy định sẽ được luật hóa, tạo khung pháp lý xử lý nghiêm bằng kỷ luật của Đảng, pháp luật Nhà nước những cán bộ, đảng viên “thiếu trách nhiệm nêu gương”. Chắc chắn, với việc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhất trí cao ban hành quy định trách nhiệm nêu gương sẽ tiếp tục tạo những chuyển biến mới, những đột phá mới, thổi luồng gió mới trong công tác xây dựng Đảng, góp phần đẩy lùi tham những, lãng phí, tiêu cực, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
HẢI VÂN