.

Phát triển kinh tế hợp tác xã

Cập nhật: 16:32, 15/10/2018 (GMT+7)

Nhằm thúc đẩy HTX kiểu mới phát triển nhanh, trở thành nhân tố liên kết trong tổ chức sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản và tái cơ cấu nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2018 và Quyết định số 461 về phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX từ nay đến năm 2020. Mục tiêu chung của chương trình là phấn đấu đưa 15.000 HTX trở thành hạt nhân để liên kết với các DN, từ đó tạo thành hệ thống đồng trục để 8,6 triệu hộ nông dân cùng các HTX, liên hiệp HTX và các DN

tạo chuỗi khép kín. Theo đó, các HTX, liên hiệp HTX kiểu mới hoàn chỉnh chu trình sản xuất khép kín từ khu vực tổ chức sản xuất, vùng nguyên liệu đến khu vực chế biến và xúc tiến thương mại, trên cơ sở bảo đảm mục tiêu chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp.

Nhu cầu liên kết và phát triển kinh tế HTX, từ các mô hình hoạt động hiệu quả của HTX, liên hiệp HTX kiểu mới, là một đòi hỏi cấp thiết hiện nay của nước ta. Bởi thực tế cho thấy sức sản xuất của ngành hàng nông nghiệp là rất lớn.  Riêng thực phẩm, nước ta có khả năng sản xuất tới 5,5 triệu tấn thịt các loại, 30 triệu tấn rau quả và có thể đạt mức 45 triệu tấn lương thực/năm. Khi chất lượng hoạt động của các HTX, liên hiệp HTX được nâng lên, mới bảo đảm được mục tiêu chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp, đưa nền nông nghiệp Việt Nam bước sang một giai đoạn mới, tiếp tục phát triển theo chiều hướng hội nhập sâu rộng vào chuỗi nông sản toàn cầu và phục vụ tốt nhu cầu thị trường tiêu thụ nội địa.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sự liên kết giữa HTX, liên hiệp HTX với các DN, nhất là các DN chế biến, xúc tiến thương mại còn rời rạc, manh mún và nhỏ lẻ. Ở hầu hết các địa phương có thế mạnh về phát triển nông nghiệp vẫn tiếp diễn hình thức“mạnh ai nấy làm”, tách rời giữa khâu sản xuất với khâu chế biến và tiêu thụ. Công tác xúc tiến thương mại đối với ngành hàng nông nghiệp ít được chú trọng đầu tư, người nông dân phải tự bơi và  luôn rơi vào tình cảnh bị chi phối về giá cả, sức tiêu thụ của các đầu nậu, thương lái và thị trường tiểu ngạch. Dẫn tới tình trạng hiệu quả kinh tế trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản trong các HTX nông nghiệp rất thấp. Sản phẩm do người nông dân và DN sản xuất nhiều lúc rơi vào tình thế bấp bênh, hàng hóa vào mùa thu hoạch phải dồn đống, hoặc vứt bỏ. Những vụ việc giải cứu dưa hấu, chuối, hành tím còn chưa nguôi ngoai, thì lại có thêm trái thanh long bị treo với nắng mưa khi đường tiểu ngạch bị gián đoạn. Về vấn đề này, ông Phan Nhật Nam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh BR-VT cho biết thêm: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh BR-VT có 69 HTX nông nghiệp đang hoạt động. Trong số đó, có hơn 40% HTX nông nghiệp hoạt động khá, tốt, 7,7% HTX nông nghiệp xếp loại yếu. Sản phẩm của các HTX nông nghiệp trên địa bàn khá phong phú, như: Nhãn xuồng cơm vàng, bưởi da xanh, bơ, ca cao… Tuy nhiên, hàng nông sản của các HTX nông nghiệp địa phương chỉ mới dừng ở phục vụ tại chỗ, các thị trường trong nước chưa được mở rộng và xuất đi nước ngoài còn rất hạn chế. Bởi vì, điểm yếu khiến phần lớn các sản phẩm của các HTX nông nghiệp trong tỉnh chưa tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường là chưa có thương hiệu và tiêu chuẩn sản xuất.

Phát triển kinh tế HTX cần coi trọng và đầu tư phát triển các mô hình HTX, liên hiệp HTX kiểu mới một cách quyết liệt và hợp lý. Trước hết cần tập trung xử lý, giải thể các HTX kiểu cũ đã ngừng hoạt động hoặc hoạt động yếu kém, giải tỏa tâm lý mặc cảm với mô hình HTX kiểu cũ, tạo điều kiện cho thành lập mới các HTX kiểu mới, chuyên ngành. Tăng cường và đẩy mạnh sự hợp tác, liên kết trong sản xuất, kinh doanh giữa các thành phần kinh tế, giữa các HTX, liên hiệp HTX. Từ đó, hình thành và phát triển các mô hình HTX, liên hiệp HTX kiểu mới, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gắn với chuỗi giá trị nông sản. Đồng thời, phát huy tiềm năng các nguồn lực trong xã hội để tái cơ cấu nông nghiệp và liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.

HOÀNG LÊ

 

.
.
.