"Bắt bệnh" doanh nghiệp Nhà nước
Trong những kỳ họp gần đây của Quốc hội (QH), nhất là tại Kỳ họp thứ 5 diễn ra vào cuối tháng 5 vừa qua, hàng loạt các vấn đề liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), đặc biệt là tình trạng thua lỗ, nợ nần, “quên” nộp ngân sách đã được nhiều đại biểu nêu ra, từ đó đặt câu hỏi các bộ, ngành chức năng đã quản lý, giám sát chuyện “tiền nong” ở các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước như thế nào mà để xảy ra cớ sự đó?
Lỗ hay lãi đều báo cáo thiếu chính xác, đó là “bệnh” của các DNNN! Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã phát biểu như vậy trong một phiên giám sát của Quốc hội về việc quản lý vốn, tài sản, cổ phần hóa DNNN. Từ kết quả của nhiều cuộc thanh tra, ông Khái nhận định những tồn tại,
hạn chế và những hậu quả đã xảy ra đối với DNNN đều xuất phát từ báo cáo tài chính. Sai lớn nhất là sai về hạch toán doanh thu chi phí, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nộp thuế không được hạch toán và không được hình thành đầy đủ trong báo cáo, ông Khái nhấn mạnh.
Công khai thông tin hoạt động, đặc biệt là vấn đề tài chính của các DNNN là một trong những quy định bắt buộc nhằm tăng tính ổn định, tính hiệu quả việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, hạn chế tình trạng sử dụng vốn lãng phí, thất thoát. Vậy nhưng trên thực tế các DNNN vẫn chưa thực hiện nghiêm, nhiều nơi chưa công khai hoặc công khai chậm, báo cáo không đầy đủ và không chính xác. Chỉ đến khi cơ quan chức năng vào cuộc mới có những con số sau đây: Trong giai đoạn 2011-2016, các DNNN đang gánh số nợ 1,6 triệu tỷ đồng, 1/4 dự án đầu tư ra nước ngoài báo lỗ…
Trong bối cảnh cơ chế giám sát tài chính lỏng lẻo, không phân rõ trách nhiệm chủ sở hữu vốn, thiếu chế tài… khiến nhiều tập đoàn, tổng công ty rơi vào cảnh nợ nần, thua lỗ, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành một loạt các Nghị quyết, Nghị định về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN. Theo đó, việc quản lý, giám sát việc huy động, sử dụng vốn của DNNN, nhất là việc vay nợ nước ngoài, các dự án đầu tư trong nước và ra nước ngoài, nguồn vốn mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp sẽ được siết chặt, đến năm 2020 xử lý dứt điểm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật, để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản Nhà nước, các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; đặc biệt không sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp.
Công khai và minh bạch tài chính là việc đương nhiên ở các DNNN. Lâu nay theo quy định, các khoản tài chính công, chỉ trừ những khoản bí mật quốc gia theo luật định, đều phải công bố từ cấp Quốc hội xuống đến tỉnh thành, phường xã, kể cả các lực lượng vũ trang và các tổ chức Đảng. Bởi chuyện dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra có bắt đầu trước nhất từ “đồng tiền liền khúc ruột” thì mới mong đến những việc khác rộng lớn hơn.
Công khai tài chính Nhà nước không chỉ là phát huy dân chủ trong tài chính mà còn là phát huy dân chủ trong kinh tế. Nếu việc đưa ra “thanh thiên bạch nhật” các lĩnh vực chi thu của bộ máy công quyền giúp phát hiện và ngăn chặn những hành vi tham nhũng, lãng phí thì đồng thời nó cũng giúp công khai những cơ hội làm ăn, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước. Cũng vậy, việc công khai tài chính đối với các DNNN - nguồn tài sản quốc gia - cũng có tác dụng tương đương về xã hội cũng như kinh tế. Chính phủ quy định các doanh nghiệp “con đẻ” của mình phải công khai tình hình vốn, tài sản kết quả hoạt động, việc trích lập các quỹ hay các khoản thu nhập, đó chính là biện pháp căn cơ để vừa tránh thâm lạm tiền quốc gia, vừa thẩm định khả năng làm ăn của các DNNN. Nhà nước cần biết “sức khỏe” của các doanh nghiệp này để quyết định đầu tư tiếp hay bán, cho thuê hoặc cho giải thể. Còn các nhà kinh doanh trong và ngoài nước thì cần đến bản báo cáo tài chính hàng năm của các DNNN, theo thông lệ chung của thế giới doanh nghiệp, muốn được Nhà nước công nhận còn phải được đóng dấu bởi những công ty kiểm toán khách quan. Với ý nghĩa đó, việc siết chặt quy chế báo cáo công khai, minh bạch kết quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước vào lúc này là hết sức cần thiết. Đó là cách để chặn đứng không để thất thoát tài sản lớn ở các tập đoàn, tổng công ty của Nhà nước, không để lọt trách nhiệm khi tài sản Nhà nước “đội nón” ra đi.
HẢI LĂNG