.

Định hướng tiêu dùng cho giới trẻ

Cập nhật: 18:37, 11/09/2018 (GMT+7)

Cách đây không lâu, một tờ báo trong nước đăng một bài viết có cái “tít” khá ấn tượng, thu hút sự chú ý của bạn đọc: “Vay tiền mua sắm, ăn tiêu: Người Việt gánh núi nợ hơn 5 tỷ USD”. Bài báo cho biết mấy năm trở lại đây, nhiều công ty tài chính trong và ngoài nước cạnh tranh nhau mạnh mẽ trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng, mong muốn tìm kiếm lợi nhuận trong bối cảnh người Việt đi vay tiêu dùng ngày càng nhiều hơn.

Theo số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, mảng cho vay tiêu dùng năm 2017 tăng 65%, cao hơn nhiều so với con số 50,2% trong năm 2016. Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng tín dụng cũng chiếm 18%, tăng mạnh so với con số 12,3% trước đó. Còn theo thống kê của NHNN, tính đến cuối năm 2017, tổng dư nợ trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng tăng gần 5 lần trong 5 năm qua. Với ước tính từ quy mô này, thị trường tín dụng tiêu dùng được cho là có giá trị khoảng 1,1 triệu tỷ đồng, tương đương với khoảng hơn 48,5 tỷ USD. Loại trừ những khoản vay mua nhà có giá trị lớn cũng được liệt kê vào đây, thì thị trường cho vay tiêu dùng đáp ứng cho nhu cầu cá nhân chiếm khoảng 90.000 tỷ đồng, tức gần 5 tỷ USD. Bên cạnh việc đi vay để mua xe máy, đi du lịch, người Việt - nhất là giới trẻ, dành khá nhiều tiền cho điện thoại thông minh, laptop, thời trang cao cấp, phụ kiện, nữ trang và nước hoa. Dịp cuối tuần, các trung tâm mua sắm hiện đại như Diamond Plaza, Parkson, Zen Plaza đông nghẹt bước chân của khách hàng trẻ tuổi. Họ đã không ngại xếp hàng cả tiếng đồng hồ chỉ để mua được những món đồ ưa thích của các thương hiệu Zara, H&M, Uniqlo, Warehouse, Oasis hoặc Top Shop.

Trước xu hướng thích hàng hiệu và chi tiêu quá mức của một bộ phận giới trẻ, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hóa và Phát triển (học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng trên góc độ vĩ mô, tăng trưởng cho vay tiêu dùng giúp tăng tổng cầu, qua đó tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế hiện nay, nếu cứ chạy theo hàng tiêu dùng xa xỉ quá mức sẽ quá sức chịu đựng của nền kinh tế.

Khách quan mà nói, với một đất nước có dân số trẻ với 52% ở độ tuổi dưới 25 thì chẳng có gì lạ khi khẳng định đang hình thành một thế hệ tiêu dùng trẻ ở nước ta. Có thể nói đó là một lớp trẻ năng động, có hoài bão cao xa, khát khao cống hiến nhưng cũng nung nấu khát vọng kiếm tiền, sẵn sàng chi tiêu để thoả mãn nhu cầu cá nhân, coi đó là món quà xứng đáng sau những ngày lao động miệt mài, vất vả. “Món quà” ấy không chỉ ý nghĩa về mặt vật chất mà cả về mặt tinh thần. Bằng một lăng kính tích cực, từ góc nhìn này sẽ dễ dàng đồng ý với quan điểm đời sống càng phát triển, thu nhập của người dân được nâng cao, thu nhập tăng lên, nhu cầu hưởng thụ của giới trẻ phải được song hành ở một tầm mức cao hơn. Ở góc độ kinh tế học, đây là một chỉ số đáng mừng. Lực lượng tiêu dùng trẻ luôn là động lực và đối tượng của thị trường. Chẳng thế mà hầu hết các nhà sản xuất, các công ty hiện nay đều có những chiến lược nhắm đến đối tượng này. Tuy vậy, dưới góc nhìn xã hội học vẫn còn nhiều băn khoăn, lo ngại cho thế hệ tiêu dùng trẻ. Các nhà sản xuất, các đại công ty luôn coi người tiêu dùng trẻ thực sự là một “cỗ máy tiêu dùng” trong xã hội, nhắm đến họ như một đối tượng đặc biệt nên sẳn sàng tìm mọi cách lôi kéo họ vào “guồng máy tiêu dùng” bằng đủ thứ chiêu thức, thậm chí có hẳn đội ngũ nghiên cứu tiêu dùng để đưa ra những chiến lược truyền thông, buộc họ phải móc hầu bao, tạo cho họ có thói quen mua sắm tiêu dùng hoang phí, không có điểm dừng. Nhiều bạn trẻ không ý thực được rằng mua sắm quá độ chính là một nguy cơ tự hủy hoại bản thân đầy nguy hiểm. Không ít bạn trẻ đã nợ nần và mất kiểm soát về tài chính do nghiện mua sắm.

Khuyến khích, kích thích giới trẻ thói quen tiêu dùng vô tội vạ, vượt khả năng tài chính là thiếu trách nhiệm với người trẻ và nền kinh tế. Trang bị và định hướng, giúp các bạn trẻ có hành vi mua sắm văn minh, thông minh, chỉ mua sắm khi tiền bạc dư dả, đó mới là điều cần hướng đến của các phương tiện truyền thông.

NGUYỄN TRIỆU HẢI

 

.
.
.