Chủ động phòng chống cúm A/H1N1
Tính từ đầu tháng 6 lại nay, ở khu vực Nam bộ đã có 5 người chết vì bệnh cúm A/H1N1, hàng chục ca bị lây nhiễm cúm, nhiều bệnh viện, như: Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh), Bệnh viện đa khoa Đắk R’Lấp (tỉnh Đắc Nông)… đã triển khai kịp thời các biện pháp chống dịch ở cộng đồng, lập khu cách ly để điều trị các bệnh nhân mắc cúm A/H1N1, khoanh vùng, xử lý môi trường, tiệt trùng và phòng chống lây lan.
Những thông tin về việc có người nhiễm cúm A/H1N1 bị chết, nhiều vụ lây nhiễm nhanh tại những khu vực tập trung đông người đã khiến người dân trong khu vực lo lắng. Rất nhiều người đã đến bệnh viện để khám, xét nghiệm virus cúm A/H1N1 dẫn tới tình trạng tăng đột biến so với ngày thường. Trước những diễn biến bất thường của bệnh cúm A/H1N1, nhiều cơ sở y tế, nhiều bệnh viện và các địa phương đã chủ động lập kế hoạch và lên phương án phối hợp giữa ngành y tế với các đơn vị liên quan để ngăn chặn dịch cúm A/H1N1 bùng phát.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, cúm A/H1N1 là loại cúm mùa do virus H1N1 gây nên. Cúm A/H1N1 lây truyền nhanh, trực tiếp từ người sang người, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi, họng khi người bệnh ho, hắt hơi. Virus cúm A/H1N1 là loại virus rất dễ lây lan ở những khu vực tập trung đông người, như: Nhà trẻ, trường học, bệnh viện, các cơ sở sản xuất với số lượng nhân công lớn… Các triệu chứng của cúm A/H1N1 cũng gần như tương tự với các loại cúm thông thường, với các khởi phát như sốt, ho, nhức đầu, đau cơ, khớp, đau họng và sổ mũi. Ho có thể kéo dài trên 2 tuần và hầu hết tự hồi phục mà không cần điều trị. Tuy nhiên, một số trường hợp khi bị nhiễm cúm A/H1N1 có thể gây bệnh nặng hoặc tử vong, nhất là đối với những trường hợp người bị cúm thuộc nhóm có nguy cơ cao (người bị bệnh mãn tính, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi, người lớn trên 65 tuổi…).
Cúm A/H1N1 hiện được xem là cúm mùa thông thường. Với những người khỏe mạnh độc lực của virus H1N1 không cao, nhưng với những người thuộc nhóm có nguy cơ cao như đã nêu ở trên thì không nên chủ quan, xem nhẹ những biến chứng sau cúm. Khi bị nhiễm virus cúm, có dấu hiệu sốt cao và có những bất thường về sức khỏe, cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế thăm khám và điều trị, tránh tình trạng tự điều trị tại nhà, tự mua thuốc điều trị cảm cúm tại các nhà thuốc tư nhân.
Trước những diễn biến bất thường của cúm A/H1N1 năm nay, các địa phương và ngành y tế cần chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống cúm A/H1N1. Trên cơ sở phối hợp liên ngành kịp thời phát hiện khu vực phát sinh các ca bệnh cúm A/H1N1, nhanh chóng triển khai công tác khoanh vùng và xử lý môi trường tại những khu vực đã phát hiện bệnh nhân nhiễm virus H1N1. Các cơ sở y tế cần tăng cường hoạt động giám sát và xác minh các ca bệnh cúm A/H1N1 để triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Củng cố các đội phòng chống dịch cơ động, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, trang thiết bị, thuốc, hóa chất để xử lý kịp thời, triệt để. Các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện trực cấp cứu và phát hiện sớm các ca nhiễm virus H1N1 nhằm khống chế việc lây lan ra cộng đồng. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn người dân nhận biết cơ chế lây lan virus H1N1 để phòng chống và tránh không bị hoang mang trước các thông tin thất thiệt. Bên cạnh đó, chú trọng biện pháp tiêm chích ngừa cúm hàng năm cho các đối tượng thuộc nhóm có nguy cơ cao. Do virus cúm H1N1 thường có nhiều biến đổi, nên ngành y tế cần kịp thời cập nhật các chế phẩm vắc xin chủng ngừa phù hợp, nhằm phát huy hiệu quả cao nhất các giải pháp phòng chống cúm A/H1N1.
HOÀNG LÊ