Khi Hà Giang không còn là cá biệt!
Kể từ ngày 11-7 đến nay, sau khi kết quả điểm thi THPT quốc gia năm 2018 chính thức được công bố trên cổng thông tin điện tử Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố, dư luận và đông đảo người dân, các gia đình có con em tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, quan tâm theo dõi với nhiều cung bậc cảm xúc. Đúng là “niềm vui ngắn chẳng tày gang” khi mà lần lượt những sự cố về gian lận điểm thi đã bị bóc mẽ.
Thực tế được phơi bày không chỉ ở một địa phương - tỉnh Hà Giang, mà còn xuất hiện thêm ở cả Sơn La và có thể còn nối dài thêm, nếu như việc chấm thẩm định các bài thi ở Lạng Sơn, Hòa Bình, Lâm Đồng, Bến Tre … tiếp tục phát hiện thêm những gian lận mới, bởi ở những địa phương đó cũng đã có những dấu hiệu bất thường về điểm thi.
Phổ điểm tổng quan của từng địa phương sau khi được công bố chính thức là những căn cứ đầu tiên để dư luận đặt những câu hỏi nghi vấn. Tỉnh miền núi Sơn La có hơn 10.300 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018, có điểm trung bình tất cả các môn thi là 4,21 - thấp nhất cả nước. Thế nhưng, tỷ lệ thí sinh tỉnh Sơn La đạt điểm từ 9 trở lên với môn toán và vật lý vượt xa một số địa phương có truyền thống học tốt. Riêng môn toán, Sơn La có 30 thí sinh đạt từ 9 trở lên, chiếm gần 0,3%, trong khi tỷ lệ này của TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Nam Định lần lượt là 0,04; 0,1 và 0,06%.
Sự thật đã được làm sáng tỏ. Người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của 114 thí sinh ở Hà Giang là ông Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng Sở GD-ĐT Hà Giang (hiện đã bị khởi tố và bị bắt tạm giam để điều tra làm rõ vụ việc sai phạm nghiêm trọng này). Còn tại Sơn La, Tổ công tác xác định đã có một số sai phạm về quy chế thi, đặc biệt ở khâu chấm thi. Trong đó có sự can thiệp làm thay đổi kết quả thi của thí sinh, với hàng chục bài thi bị sửa đổi. Riêng tại Lạng Sơn, kết quả bước đầu cho thấy, 8/51 bài thi môn ngữ văn sau khi chấm thẩm định đã bị hạ điểm (từ 1,25 đến 1,75 điểm)...
Hành vi nâng điểm cho thí sinh đã vi phạm rất nghiêm trọng Quy chế thi của Bộ GD-ĐT, làm sai lệch một cách trắng trợn kết quả thi dẫn tới việc xét tuyển vào các trường đại học bị méo mó, biến dạng. Nếu như 114 thí sinh ở Hà Giang không bị phát hiện, thì nghiễm nhiên với tổng điểm (được nâng) cao chót vót đó, họ sẽ được vào các trường đại học tốp trên. Và, cũng sẽ đồng nghĩa với việc hàng trăm thí sinh ở các địa phương khác (kể cả ở Hà Giang) với số điểm thực chất, phản ánh đúng lực học của các em, buộc phải lùi lại sau, hoặc bị trượt đại học.
Lỗi trong những vụ “điểm cao bất thường” này không phải do các thí sinh tạo nên, mà đều do người lớn, các bậc phụ huynh và chính những người làm nhiệm vụ “cầm cân nẩy mực” gây ra. Nếu không có những cuộc điện thoại, những tin nhắn, những lời gửi gắm “cậy nhờ” của các bậc cha mẹ, trong đó có cả các cán bộ ở địa phương, thì dĩ nhiên “hiện tượng Vũ Trọng Lương”sẽ không xuất hiện, sẽ không “nhúng chàm” để nhận lấy cái kết bị khởi tố, bị bắt tạm giam.
Sau 13 năm tổ chức kỳ thi đại học ba chung (chung đề thi, chung đợt và chung kết quả thi) kể từ năm 2015 Bộ GD-ĐT thực hiện kỳ thi THPT quốc gia với mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, đến nay, cho thấy phương thức này đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Việc chấm bài bằng máy nhằm chống gian lận và bảo đảm công bằng cho thí sinh đối với các môn thi trắc nghiệm đã bộc lộ những lỗ hổng quá lớn. Bởi bài làm của thí sinh lưu giữ ngay tại địa phương, trong tầm kiểm soát của các cơ quan giáo dục địa phương, thì khả năng thao túng càng cao, càng dễ xuất hiện “Sự cố Hà Giang” khác.
Từ những kết quả thực hiện chấm thẩm định, nhất là sau “sự cố Hà Giang” việc đổi mới phương thức thi “hai trong một” là một đòi hỏi cấp thiết của ngành giáo dục.
HOÀNG LÊ