MAN CITY BỊ CÁO BUỘC VI PHẠM LUẬT CÔNG BẰNG TÀI CHÍNH

Man City có còn thoát được án phạt?

Thứ Tư, 08/02/2023, 18:25 [GMT+7]
In bài này
.

Một cuộc điều tra về Man City đã được Premier League tiến hành trong suốt 4 năm qua. Theo đó, Man xanh bị cáo buộc hơn 100 lần vi phạm các quy tắc tài chính trong khoảng thời gian từ 2009 - 2018. Ba năm trước, họ từng thoát án phạt tương tự từ UEFA. Nhưng xem ra lần này, Man City khó chạy tội.

Lần này Man xanh khó thoát tội.
Lần này Man xanh khó thoát tội.

115 lần vi phạm quy tắc tài chính

Tối ngày thứ Hai, “quả bom” mang tên Man City được báo chí Anh tiết lộ. Theo đó, Man xanh bị cáo buộc vi phạm luật công bằng tài chính trong một thời gian dài. Nếu đội chủ sân Etihad không chứng minh được sự trong sạch của mình thì theo điều luật W.51 của BTC giải đấu, họ đang đối mặt với nguy cơ bị trừ điểm, hoặc nặng hơn là bị giáng xuống hạng.

Vậy cụ thể những cáo buộc nhằm vào Man City là gì? Premier League thông báo Man City đã có 115 lần vi phạm các quy tắc tài chính của giải đấu, xuyên suốt 14 mùa giải kéo dài từ mùa 2009/10 tới hiện tại.

“Theo điều luật W.82.1, Premier League xác nhận một số các hoạt động vi phạm quy tắc tài chính của Man City trong 9 mùa giải từ 2009/10 - 2017/18. Ngoài ra, Man City cũng bị phạt vì thiếu hợp tác trong quá trình điều tra và không cung cấp đầy đủ tài liệu cho cơ quan điều tra theo yêu cầu trong 5 mùa giải từ 2018/19 - 2022/23”, BTC Premier League thông báo trên website.

Cuộc điều tra về Man City bắt đầu được Premier League thực hiện từ tháng 12/2018, sau khi hacker người Bồ Đào Nha, Rui Pinto tung ra những tài liệu liên quan đến việc Man City vi phạm luật FFP. Những tài liệu này sau đó được tạp chí của Đức, Der Spiegel đăng tải. Rui Pinto, người nổ tiếng súng đầu tiên cho vụ scandal của Man City hiện vẫn đang trong những phiên tòa xét xử ở Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, những tài liệu mà hacker này lấy cắp được đã đánh động để Premier League nghiêm túc điều tra các sai phạm của Man City 4 năm qua.

Các sai phạm của Man xanh chủ yếu tập trung ở việc đội bóng này đã giả mạo, thổi giá, hoặc bịa ra những hợp đồng “tài trợ ma” để tăng doanh thu cho CLB. Ngoài ra, Man City cũng bị phát hiện gian lận trong việc trả lương cho cựu HLV của họ là Roberto Mancini. Man xanh không cung cấp đầy đủ những chứng từ trả lương cho Mancini trong 4 mùa giải ông dẫn dắt đội bóng từ 2009-2013. Ngoài ra, họ cũng không cung cấp đầy đủ chứng từ chi tiết việc trả lương thưởng cho cầu thủ trong 6 mùa giải từ 2010/11 đến 2015/16.

Với riêng trường hợp của HLV Mancini, Man City bị phát hiện là đã trả lương cho chiến lược gia người Italia qua 2 tài khoản khác nhau, với lương chính thức là 1,45 triệu bảng qua sổ sách kế toán của CLB và 1,75 triệu bảng qua Al Jazira, một CLB của Abu Dhabi thuộc sở hữu của Sheikh Mansour.

Trước những cáo buộc của BTC Premier League, Man City có động thái đáp lại trên trang chủ của CLB: “Chúng tôi ngạc nhiên khi BTC giải đấu đưa ra những cáo buộc này, đặc biệt khi chúng tôi luôn hợp tác và cung cấp đầy đủ số liệu. Chúng tôi hoan nghênh hội đồng xét xử độc lập xem lại vấn đề này. Đội bóng mong muốn vụ việc này được giải quyết một lần và mãi mãi”.

Khó thoát tội lần này?

Các đội bóng Premier League muốn có án phạt sớm được đưa ra cho Man City trước khi mùa giải hiện tại kết thúc. Tuy nhiên, quy trình xét xử tố tụng điều tra sẽ mất nhiều thời gian và có thể kéo dài vài tháng. Man xanh sẽ có thời gian đến ngày 23/2 để tiếp tục đưa ra những bằng chứng để chứng minh mình trong sạch.

Premier League cũng thành lập một Hội đồng điều tra, là sự kết hợp của Ban pháp chế giải đấu và công ty luật nổi tiếng Bird & Bird để tiếp tục điều tra vụ việc. Hội đồng này có người đứng đầu là Murray Rosen KC, người hiện cũng đang đứng đầu hội đồng tư pháp Premier League. Được biết, ngoài đời ông Murray Rosen là CĐV của Arsenal.

Hồi năm 2020, Man City cũng từng bị UEFA đưa ra án phạt cấm thi đấu ở Champions League 2 năm, đồng thời phải nộp phạt 30 triệu euro, vì vi phạm FFP. Tuy nhiên, Man xanh sau đó đã đem vụ việc này kiện lên Toà án Trọng tài Thể thao quốc tế (CAS). Năm đó, CAS đã xử Man City thắng kiện và họ chỉ bị nộp phạt 10 triệu euro vì thiếu hợp tác trong quá trình điều tra với UEFA.

Tuy nhiên, theo quy định của Premier League, Man City lần này sẽ không có cơ hội kiện lên CAS. Nghĩa là, phán quyết cuối cùng sẽ thuộc về BTC giải đấu và Man xanh buộc phải tuân theo nếu không đưa ra được bằng chứng cho thấy sự minh bạch tài chính.

Không rõ lần này, Man City có còn thoát được án phạt?

Man City bị điều tra như thế nào?
- 2008: Abu Dhabi United Group mua lại Man City.
- 2009: Ký hợp đồng với Mancini, vi phạm quy định lương thưởng.
- 2010: Ký hợp đồng tài trợ với Etihad Airways, vi phạm quy định về doanh thu, chi phí hoạt động.
- 2010-2016: Chi gần 900 triệu bảng mua cầu thủ, vi phạm quy định lương thưởng.
- 2015: Luật Công bằng tài chính (FFP) của UEFA ra đời.
- 2018: Football Leaks hé lộ thông tin về gian lận tài chính của Man City.
- 3/2019: UEFA chính thức điều tra Man City.
- 11/2019: Premier League chính thức điều tra Man City.
- 2/2020: UEFA ra án phạt 30 triệu euro + 2 năm cấm dự Champions League với Man City.
- 7/2020: Man City kháng cáo lên CAS thành công.
- 2/2023: Premier League đưa ra cáo buộc chính thức với Man City.

MINH VIỆT

 
;
.