Tuyển Hàn Quốc không cần Son Heung-min khóc. Thứ họ cần là một màn trình diễn mạnh mẽ và quả cảm ở lượt đấu cuối để níu giữ hy vọng vượt qua vòng bảng.
Những giọt nước mắt của Son Heung-min không còn xa lạ với người hâm mộ bóng đá thời gian qua. |
Nếu bạn lên Internet và gõ từ khóa "Son Heung-min khóc" bằng tiếng Anh, sẽ có hơn 1,5 triệu kết quả được trả về. Với tư cách một cầu thủ bóng đá, từ khóa "Son Heung-min khóc" chỉ thua kém hai từ khóa "Lionel Messi khóc" (hơn 2,4 triệu kết quả) và "Cristiano Ronaldo khóc" (hơn 10,1 triệu kết quả).
Thậm chí nếu chỉ tính trong nửa thập niên qua, số lần rơi nước mắt của "Sonny" (biệt danh Son Heung-min) còn nhiều hơn cả Messi lẫn Ronaldo cộng lại. Với người Hàn Quốc, Son Heung-min là Ronaldo và Messi của họ. Không ai có thể phán xét tiền đạo Tottenham Hotspur chỉ vì những giọt nước mắt. Nhưng nền bóng đá xứ kim chi cần tiền đạo 30 tuổi mạnh mẽ hơn.
Gánh nặng trên vai
Không phải đến khi trọng tài Anthony Taylor thổi tiếng còi kết thúc trận đấu đầy tranh cãi, người ta mới chứng kiến những giọt nước mắt của bóng đá Hàn Quốc. Khi Cho Gue-sung lập cú đúp chỉ trong vòng 3 phút để khiến người ta mơ về một cuộc lội ngược dòng ngoạn mục, không ít cổ động viên Hàn Quốc trên khán đài sân Education City bật khóc.
Họ khóc vì sung sướng, vì hạnh phúc vỡ òa trong hoàn cảnh đội nhà đã bị dẫn trước hai bàn đầy choáng váng. Những giọt nước mắt của người Hàn tiếp tục rơi khi Mohammed Kudus ghi bàn ấn định chiến thắng 3-2. Ở cả trên khán đài và dưới sân. Người ta thấy Son Heung-min lại khóc khi một thành viên ban huấn luyện Ghana đến xin chụp hình chung với anh.
Đó là một cảnh tượng bi hài. Người chiến thắng ngưỡng mộ kẻ bại trận. Ngôi sao nổi tiếng hàng đầu thế giới không thể chịu nổi áp lực của cả một nền bóng đá. Khi Hàn Quốc vùng dậy mạnh mẽ sau 2 bàn thua choáng váng ở hiệp 1, Son Heung-min trông giống một đội trưởng đích thực. Anh hoạt động không biết mệt mỏi ở khắp mặt sân, liên tục bị phạm lỗi và là người tạt bóng để Cho Gue-sung ghi bàn gỡ hòa 2-2.
Nhưng sự hào hùng đó không kéo dài được lâu. Hàn Quốc bộc lộ sự non kém trong việc điều khiển nhịp độ trận đấu và thiếu chặt chẽ ở hàng thủ. Các trung vệ đội bóng xứ kim chi bỏ quên Kudus trong một pha tấn công ở nửa sau của hiệp 2. Họ cần nhớ rằng cầu thủ 22 tuổi đang là một trong những "món hàng" chờ lên giá của Ajax sau World Cup năm nay.
Kudus đã trừng phạt hàng thủ Hàn Quốc lần thứ 2 trong trận. Đối thủ của Son Heung-min ở bên phía cánh trái chơi một trận đấu xuất sắc, với màn trình diễn đầy năng lượng và không hề sợ hãi. Ngôi sao của Ajax đánh đầu tung lưới Kim Seung-gyu ở hiệp 1, tiếp tục phong độ ấn tượng của mình kể từ đầu giải.
Bên phía đối diện, Son Heung-min chơi nỗ lực nhưng tuyển Hàn Quốc cần nhiều hơn thế. Có một khoảnh khắc ở cuối hiệp 2, khi Hàn Quốc đang bị dẫn 2-3 và dồn ép đối thủ dữ dội. Cho Gue-sung đánh đầu trúng người cẩu thủ Ghana, bóng bật ra đến chân Son Heung-min ở cánh trái. Thay vì dứt điểm ngay bằng chân trái không thuận, tiền đạo Tottenham Hotspur lại chần chừ và sau đó dứt điểm hỏng.
Sonny bỏ lỡ cơ hội trở thành người hùng của Hàn Quốc. Đó không hẳn là một cơ hội ăn bàn rõ rệt của Hàn Quốc, nhưng với tư cách ngôi sao sáng nhất nền bóng đá, Son Heung-min nên làm tốt hơn.
Sự chần chừ hoặc có thể áp lực tâm lý đè nặng khiến tiền đạo Spurs bỏ lỡ cơ hội. Không khó để người ta nhận thấy áp lực tâm lý đè nặng lên vai của Son Heung-min trong trận đấu với Ghana. Mọi đường bóng của Hàn Quốc đều qua chân tiền đạo đang chơi ở Premier League. Anh di chuyển rộng, làm tất cả những nhiệm vụ quan trọng nhất trong lối chơi của đội bóng.
Khi trận đấu trôi về những phút cuối, Son Heung-min tháo cả mặt nạ ra để thi đấu dễ hơn. Nhưng màn trình diễn của anh vẫn thiếu một chút gì đó mang tính quyết định.
Son Heung-min phải đứng dậy
Ở cuộc đối đầu Ghana, Son Heung-min chỉ được Whoscored chấm 6,3 điểm, nằm trong số những cầu thủ Hàn Quốc chơi kém nhất trận. Màn trình diễn của Sonny phản chiếu lối chơi của cả đội Hàn Quốc. Họ thi đấu nỗ lực, nhỉnh hơn đối thủ về mặt thế trận hay cách phối hợp, nhưng đến những thời điểm quan trọng nhất, đại diện châu Á gục ngã. Đây là vấn đề của đẳng cấp, kinh nghiệm hay chỉ đơn thuần là may mắn? Có thể là cả ba.
Thậm chí trước trận đấu, HLV trưởng tuyển Hàn Quốc, Paulo Bento đã ám chỉ đến gánh nặng tâm lý của các học trò. "Tôi không cảm thấy bất kỳ áp lực nào. Tôi muốn các cầu thủ có cảm giác như tôi, nhưng tôi biết họ đến từ một nền văn hóa khác", chiến lược gia người Bồ Đào Nha nói. Hơn 3 năm làm việc ở xứ sở kim chi giúp Bento hiểu được kỳ vọng lớn lao mà người dân Hàn Quốc dành cho đội tuyển quốc gia ở mỗi giải đấu lớn.
Cựu HLV tuyển Bồ Đào Nha sẽ nghĩ gì khi chứng kiến Son Heung-min, ngôi sao lớn nhất nền bóng đá, khóc sau trận thua? Ông không tham dự buổi họp báo sau trận, nhận thẻ đỏ vì phản đối các quyết định gây tranh cãi của trọng tài điều khiển trận đấu. Bản thân Bento có vẻ như cũng không thể giữ nổi cái đầu lạnh.
Hàn Quốc thua không phải vì họ kém hơn Ghana. Đại diện châu Á dường như thua vì áp lực tâm lý. 4 năm trước trên đất Nga, Son Heung-min cũng đã khóc sau trận thua Mexico, thất bại khiến họ gần như không còn cơ hội đi tiếp.
Trở về quê nhà sau cơn địa chấn thắng Đức 2-0, tuyển Hàn Quốc thậm chí bị một vài cổ động viên quá khích ném trứng thối phản đối. Họ cho rằng đội bóng xứ kim chi cần làm tốt hơn, thay vì rời giải đấu trong thế ngẩng cao đầu.
Có thể văn hóa bóng đá ở Hàn Quốc quá đề cao thành tích, dẫn đến gánh nặng trên vai Son Heung-min. Có thể bản thân tiền đạo của Tottenham là người dễ xúc động. Nhưng tuyển Hàn Quốc không cần Son Heung-min khóc thêm nữa. Để thắng được Bồ Đào Nha ở lượt đấu cuối, đội bóng xứ kim chi cần một màn trình diễn hoàn toàn khác.
TƯỜNG LINH