Toàn cảnh bức tranh nền bóng đá Trung Quốc

Thứ Tư, 06/10/2021, 22:51 [GMT+7]
In bài này
.

Bóng đá Trung Quốc đang trải qua giai đoạn cực kỳ u ám khi khó khăn bủa vây cả các CLB lẫn ĐTQG. Đây quả là thực trạng đáng buồn bởi mới cách đây chưa lâu, quốc gia đông dân nhất thế giới còn được xem là điểm đến hấp dẫn với nhiều HLV và ngôi sao hàng đầu thế giới.

Australia dễ dàng đè bẹp Trung Quốc ở vòng loại World Cup 2022.
Australia dễ dàng đè bẹp Trung Quốc ở vòng loại World Cup 2022.

Cuối tuần vừa rồi, 2 HLV Rafa Benitez và Bruno Génésio đã gây ấn tượng cực mạnh khi lần lượt giúp Everton cầm hòa Man United 1-1 và Rennes đánh bại PSG 2-0. Tuy nhiên, có lẽ ít ai để ý đến chuyện chỉ mới vài tháng trước bộ đôi này còn làm việc ở Trung Quốc cho Dalian Professional và Beijing Guoan.

Vậy tại sao bây giờ Benitez và Génésio đã quay lại châu Âu? Câu trả lời đơn giản là vì giải VĐQG Trung Quốc (CSL) không còn đủ sức hút để giữ chân họ. Khi Chelsea bán tiền vệ Oscar cho Shanghai Port hồi tháng 12 năm 2016 để thu về 50 triệu bảng, HLV Antonio Conte từng dự đoán thói chơi ngông của các CLB Trung Quốc sẽ dẫn tới lợi bất cập hại. Chiến lược gia người Italia đã đúng, bởi dù chi ra 300 triệu bảng cho việc tuyển quân trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông 2017, các đội bóng hàng đầu Trung Quốc bây giờ lại đang trên đường lụi bại.

Oscar lúc này vẫn đang chơi bóng ở Trung Quốc, nhưng rất nhiều cầu thủ tên tuổi và các HLV danh tiếng thì đã rời đi sau khi nhét đầy túi những khoản tiền lương thưởng khổng lồ. Rõ ràng ngay từ đầu các nhà chức trách ở Trung Quốc đã không nhìn thấy nguy cơ khiến nguồn tiền bị chảy đi ồ ạt như thế. Để sửa sai, họ đã phải ban bố những chính sách mới như buộc các đội bóng phải nộp thuế chuyển nhượng và giới hạn quỹ lương.

Tuy nhiên, mọi thứ đã trở nên quá muộn. Các CLB phải trả giá cho việc chi tiêu bất hợp lý và không ai ngạc nhiên khi một số đội thậm chí đã lâm vào khủng hoảng. Đơn cửa như Jiangsu Suning sau khi đoạt chức vô địch quốc gia lần đầu tiên hồi tháng 11 năm ngoái đã bị buộc phải đổi tên thành Jiangsu FC vào tháng 2 năm nay. Đó cũng là thời điểm công ty mẹ của Jiangsu FC là tập đoàn Suning Holdings thông báo không thể trợ cấp cho đội nữ và đội trẻ CLB do gặp khó khăn về tài chính.

Tình cảnh của CLB thành công nhất Trung Quốc là FC Guangzhou (thuộc sở hữu của tập đoàn Evergrande) thậm chí còn bi đát hơn. Do Evergrande đang gánh khoản nợ 300 tỷ USD và không có khả năng thanh toán, FC Guangzhou có thể sẽ bị buộc phải ngưng hoạt động. Theo Bloomberg, BLĐ FC Guangzhou đang liên hệ với chính phủ để xin được hỗ trợ. Trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm huy động tiền để cố gắng tồn tại, họ cũng đã rao bán toàn bộ cầu thủ của mình.

Hồi tuần trước, HLV là cựu trung vệ từng đoạt chức vô địch thế giới cùng ĐT Italia - Fabio Cannavaro đã quyết định nhảy khỏi “con tàu đắm” mang tên FC Guangzhou. Với tình hình hiện nay, không loại trừ khả năng CLB lớn nhất Trung Quốc, thậm chí châu Á sẽ phải giải thể.

Các CLB thì như vậy, còn ĐTQG Trung Quốc cũng chẳng khá hơn. Việc các trận đấu ở CSL phải tạm ngừng suốt từ tháng 8 đến tháng 12 chỉ để các cầu thủ tập trung cống hiến cho ĐTQG hóa ra chẳng lợi ích gì mà ngược lại còn gây ra tác động xấu. Dễ thấy nhất là chuyện giải đấu không diễn ra trong thời gian quá giải làm giảm doanh thu và sức hút của các CLB đáng kể.

Nếu những sự hy sinh của các CLB giúp cơ hội để ĐT Trung Quốc vượt qua vòng loại World Cup 2022 tăng lên thì người hâm mộ còn có thể thông cảm. Tuy nhiên, thực tế lại đang chứng minh đội bóng của HLV Lý Thiết khó có khả năng góp mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Thật vậy, sau 2 lượt trận đầu tiên ở vòng bảng thuộc vòng loại thứ 3 khu vực châu Á, ĐT Trung Quốc đã toàn thua và chưa ghi nổi bàn thắng nào. Cụ thể, sau khi thảm bại 0-3 dưới tay Australia họ tiếp tục thất thủ 0-1 dưới tay Nhật Bản.

Với 2 thất bại liên tiếp, Trung Quốc hiện giờ đang xếp bét bảng B có sự góp mặt của cả ĐT Việt Nam. Ngày 8/10 tới Trung Quốc sẽ chạm trán chính ĐT Việt Nam và trong tình cảnh khó khăn như hiện nay không biết chừng họ sẽ phải nhận thêm một cú sốc nữa.

THANH SƠN

;
.