.

World Cup vẫn chỉ là đại chiến hai cực

Cập nhật: 19:49, 04/07/2018 (GMT+7)

Người ta vẫn luôn nói đến một thế giới đa phương, đa cực nhưng tại World Cup 2018 cũng như trong lịch sử giải đấu, World Cup vẫn chỉ có hai cực. Khi vòng bảng World Cup năm nay khép lại, tất cả nhận ra rằng, một trật tự mạnh yếu lâu nay vẫn được duy trì.

Ở vòng đấu knock-out, CONCACAF chỉ có Mexico, châu Á còn Nhật Bản, còn châu Phi sạch bóng. Phải thừa nhận rằng, sự có mặt của họ giống như chút gia vị làm cho bàn tiệc World Cup trở nên ngon hơn, hấp dẫn hơn, thay vì có thể thay đổi hoàn toàn thực đơn. Rốt cuộc thì World Cup 2018, như những World Cup trước, vẫn chỉ là cuộc chơi của hai cực Nam Mỹ và châu Âu.

BRAZIL, ARGENTINA ĐỐI ĐẦU CHÂU ÂU

Thắng lợi của tuyển Đức trên đất Brazil cách đây 4 năm đã tạm đưa châu Âu dẫn trước Nam Mỹ 11-9 trong cuộc đua tại World Cup. Và ở giải đấu năm nay, câu hỏi đặt ra là liệu Nam Mỹ có đòi lại được chiếc cúp mà Brazil và Argentina đã để mất, ngay tại châu Âu?

Lịch sử của 20 kỳ World Cup từ năm 1930 đến nay, FIFA có hơn 200 thành viên nhưng chỉ ghi nhận 8 đội bóng vô địch. Đó là Brazil (5 chức vô địch), Italia (4), Đức (4), Argentina (2), Uruguay (2), Pháp, Anh và Tây Ban Nha cùng có 1 chức vô địch. 

Nhìn qua thì sự chênh lệch khi nói đến bóng đá và thành công giữa Nam Mỹ và châu Âu không có gì lớn. Tuy nhiên, nếu giai đoạn đầu, tất cả nói đến World Cup và World Cup của Brazil thì châu Âu đã cho thấy sự ổn định theo thời gian. Trong 17 trận chung kết kể từ sau chiến tranh thế giới 2, có 6 trận là chuyện nội bộ của châu Âu, trong đó có 2 trận ở 3 kỳ gần đây. Và cán cân sức mạnh đã nghiêng hẳn về châu Âu ở 7 kỳ World Cup vừa qua, khi lục địa già chiến thắng tới 5 lần. Trong giai đoạn này, chỉ có Brazil đánh bại được Italia và Đức vào năm 1994 và 2002. Một điều đáng nói nữa là nếu câu chuyện của World Cup từng là Nam Mỹ đối đầu châu Âu thì trong 60 năm qua, câu chuyện này chỉ là Brazil và Argentina đối đầu với châu Âu. Và trong 3 kỳ World Cup gần đây, chiến thắng chỉ dành cho các đội tuyển của châu Âu.

Nhìn chung, trong 12 năm kể từ chức vô địch của Brazil trên đất Nhật Bản - Hàn Quốc, thành tích của bóng đá Nam Mỹ tại World Cup rất kém. Ở World Cup 2006, bán kết là chuyện nội bộ của châu Âu sau khi Brazil và Argentina bị loại tại tứ kết. Đến World Cup 2010, Brazil lần thứ hai liên tiếp không lọt vào bán kết, trong khi Argentina bị Đức loại ở tứ kết. Chỉ có Uruguay lọt vào bán kết. Năm 2014, Brazil và Argentina vào đến bán kết, trong đó Argentina lọt tới chung kết trước khi thua Đức.

Pháp đang được xem là ứng viên sáng giá cho chức vô địch sau khi loại Argentina.
Pháp đang được xem là ứng viên sáng giá cho chức vô địch sau khi loại Argentina.

VÀ WORLD CUP CỦA CHÂU ÂU?

Trước World Cup 2018, tất cả nói đến một danh sách ứng cử viên có khả năng giành chức vô địch và như mọi lần, Nam Mỹ vẫn chỉ có Brazil và Argentina. Ngược lại, châu Âu dù không có sự tham dự của Italia và Hà Lan, nhưng họ cũng có ít nhất 6 đội có thể đăng quang ở Luzhniki là Đức, Bồ Đào Nha, Pháp, Tây Ban Nha, Anh và Bỉ.

Sau vòng bảng, trật tự này chỉ có một chút xáo trộn. Nam Mỹ giờ có thêm Uruguay và Colombia, trong khi châu Âu thay thế vị trí của đội tuyển Đức vừa bị loại là Croatia, đội bóng được xem là bất ngờ lớn nhất tại World Cup 2018 cho đến nay và được dự báo sẽ tiến xa.

Tuy nhiên, ngay cả khi vòng 1/8 có sự hiện diện của 1 đại diện CONCACAF (Mexico) và 1 châu Á (Nhật Bản), cuộc đua đến Luzhniki cũng chỉ diễn ra giữa Nam Mỹ và châu Âu. Thậm chí chỉ là chuyện nội bộ của châu Âu.

Chợt nhìn lại, ở nhánh 1, hầu hết đại diện của Nam Mỹ là Brazil, Uruguay, Argentina bị gom vào cùng với Pháp, Bồ Đào Nha và đội dẫn đầu bảng G là Bỉ. Trong khi đó, ở nhánh 2 toàn các đại diện của châu Âu. Khỏi cần nói ra, một cặp bán kết và một suất chung kết ở Luzhniki coi như đã dành cho châu Âu.

THƯ KỲ

.
.
.