.

Tuyển Đức kết thúc để... bắt đầu

Cập nhật: 18:44, 28/06/2018 (GMT+7)

Nếu chỉ nhìn tỷ số xuất hiện trên bảng điện tử (Đức 0-2 Hàn Quốc) thì đúng là một cơn địa chấn mạnh làm rung chuyển sân vận động Saint Petersburg, nhưng thực tế trên sân chỉ ra rằng, Đức về nước sớm là xứng đáng.

NHỮNG ĐÔI CHÂN RỆU RÃ

4 năm sau khi lên tới tột đỉnh vinh quang với chức vô địch World Cup 2014 trên đất Brazil, thứ duy nhất rõ ràng để người ta nhận diện một đội tuyển Đức quen thuộc là ngoại trừ những Miroslav Klose, Schweinsteiger, Philippe Lahm và Hoewedes, tất cả chúng ta vẫn gặp lại những nhà vô địch của 4 năm về trước. Nhưng tất cả chỉ có vậy. Chỉ còn lại những cái tên, không gì hơn.

Tất cả những phẩm chất ưu tú làm nên sức mạnh vô song của nhà vô địch đều đã tan biến hoặc gần như thế. Trên băng ghế chỉ đạo, sau 12 năm và 6 giải đấu lớn cầm quân, HLV Joachim Loew có vẻ đã đánh mất đi sự sáng suốt trong các quyết định sử dụng nhân sự của mình. Người ta không hiểu vì sao ông vẫn cứ mù quáng sử dụng Khedira và Oezil, những tiền vệ thiếu sức mạnh nghiêm trọng trong các trận đấu khốc liệt đòi hỏi cao về thể lực. Người ta không hiểu vì sao một tiền đạo trẻ tràn đầy năng lượng và hứa hẹn như Julian Brandt mà trận vòng bảng nào ông Loew cũng chỉ tung vào sân trong ít phút cuối cùng khi Đức đã “lâm nguy”. Người ta không hiểu vì sao một chân sút vô duyên như Timo Werner mà trận nào ông cũng cho đá chính từ đầu đến cuối?

Trên ghế nóng HLV Joachim Loew đánh mất đi sự chính xác buộc phải có. Trên sân đấu, cả 3 trận vòng bảng trận nào Đức cũng bộc lộ vấn đề về nhân sự dù thắng hay thua. Nếu mắt xích lỗi Joshua Kimmich và khả năng dứt điểm kém là mấu chốt dẫn đến thất bại trước Mexico, sai lầm của Kroos và sự thiếu ăn ý của cặp trung vệ là nguyên nhân chính khiến Đức phải cực kỳ nhọc nhằn mới thắng nổi Thụy Điển thì trận thua Hàn Quốc này là cả nỗi thất vọng tập thể bao trùm khi đội tuyển Đức không thể hiện được bất cứ phẩm chất nào trước đối thủ châu Á vốn bị đánh giá thấp hơn họ rất nhiều.

Trong phần lớn thời gian của trận đấu, đội tuyển Đức đá như thể họ đã có vé vào vòng 1/8 và đang chủ động dưỡng sức, tránh chấn thương cho các trụ cột trong khi thực tế họ phải chiến đấu cật lực để tìm kiếm cơ hội cho mình. Miroslav Klose bảo người Đức trở nên mạnh mẽ nhất khi phải chịu sức ép nhưng trước Hàn Quốc câu nói ấy không tồn tại. Và cuối cùng “cái chết” đã đến như nó phải đến.

Đội tuyển Đức thi đấu thiếu gắn kết đành chấp nhận rời World Cup 2018 ngay tại vòng bảng.
Đội tuyển Đức thi đấu thiếu gắn kết đành chấp nhận rời World Cup 2018 ngay tại vòng bảng.

KẾT THÚC ĐỂ... BẮT ĐẦU

Đội bóng nào cũng phải tuân theo quy luật chu kỳ và chúng ta có thể nói rằng chu kỳ chiến thắng của đội tuyển Đức đã kết thúc. Cuộc chia tay sớm ở World Cup này đương nhiên là nỗi thất vọng lớn nhưng mặt khác nó cũng gióng lên hồi chuông báo động cho một cuộc cải tổ cần phải diễn ra trong lòng đội tuyển Đức.

Có 2 điểm cần lưu ý ở đội tuyển Đức hiện nay. Một là các trụ cột của tuyển Đức còn thi đấu cho tới lúc này như Boateng, Hummels, Manuel Neuer, Kroos, Khedira, Oezil... cũng chính là những người đã lên tới tột đỉnh vinh quang ở World Cup 2014. Thật khó đòi hỏi và kỳ vọng ở họ động lực thi đấu và khát khao chiến thắng cao độ với đội tuyển quốc gia sau khi họ đã chinh phục được danh hiệu cao quý nhất trong sự nghiệp với bất cứ tuyển thủ nào.

Và thứ hai, đừng quên là thời gian đang hằn lên những bước chân của họ. Boateng, Hummels, Oezil, Marco Reus (đều 29 tuổi), Khedira (31), Mario Gomez (32)... sẽ thế nào ở EURO 2020 chứ chưa nói đến World Cup 2022? Thậm chí ngay cả những Mueller, Kroos, Hector (đều 28 tuổi) khi ấy cũng sẽ không còn trẻ.

Hàng loạt ngôi sao của đội tuyển Đức đã hoặc sắp bước sang sườn dốc bên kia sự nghiệp. Thế nên, lẽ tất nhiên là tuyển Đức cần thay máu. Dù HLV Joachim Loew vẫn tiếp tục cầm quân hay một HLV mới được bổ nhiệm, tuyển Đức chắc chắn cần bổ sung những dòng máu trẻ để tạo ra sức bật mới, động lực chiến thắng mới cho tương lai nếu họ muốn nhanh chóng tìm lại vị thế của quyền lực bóng đá hàng đầu thế giới.

Thất bại cay đắng ở World Cup lần này gieo giắc nỗi buồn nhưng cũng chính là cơ hội, là lời cảnh báo đúng lúc và đủ sức nặng để tuyển Đức bắt tay vào một cuộc cải tổ nhân sự sâu rộng và triệt để trong tương lai gần.

Nếu họ không làm điều đó, nếu những tài năng trẻ như Julian Brandt vẫn chưa được trao cơ hội thi đấu thường xuyên, con đường trở lại đỉnh cao của tuyển Đức có lẽ sẽ còn xa.

THƯ KỲ

.
.
.