Trong một báo cáo ngày 24/5, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, các quốc gia đã huy động được mức kỷ lục 95 tỷ USD vào năm ngoái khi tính phí các công ty phát thải khí CO2, tăng so với khoảng 84 tỷ USD thu được vào năm 2021. Tuy nhiên, mức phí vẫn còn quá thấp để thúc đẩy những thay đổi cần thiết nhằm đáp ứng các mục tiêu của Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu.
Bà Jennifer Sara, Giám đốc Toàn cầu về biến đổi khí hậu tại WB cho biết, ngay cả trong thời kỳ kinh tế khó khăn, các chính phủ đang ưu tiên chính sách định giá carbon trực tiếp để giảm lượng khí thải. Nhưng để thực sự thúc đẩy sự thay đổi ở quy mô cần thiết, cần những tiến bộ lớn cả về phạm vi định giá.
Một số quốc gia đang sử dụng chính sách áp giá đối với lượng khí thải carbon để giúp đáp ứng các mục tiêu về khí hậu dưới hình thức thuế hoặc theo hệ thống giao dịch khí thải (ETS).
Hiện có 73 công cụ định giá carbon đang được áp dụng trên toàn cầu, tăng so với mức 68 công cụ khi WB công bố báo cáo vào tháng 5/2022, áp dụng đối với khoảng 23% lượng khí thải nhà kính toàn cầu.
Năm 2017, một báo cáo của Ủy ban cấp cao về giá carbon chỉ ra rằng, giá carbon cần phải ở mức 50-100 USD/tấn vào năm 2030 để giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 20C, mức cao nhất của giới hạn đã được thống nhất theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Báo cáo của WB cho biết, điều chỉnh theo lạm phát, giá khí thải hiện tại sẽ cần nằm trong khoảng 61-122 USD/tấn.
TRÀ MY