Cho đến nay, hầu hết những người say mê trò chơi điện tử đều không xa lạ gì với nhân vật Mario có cái mũi to, đầu đội nón đỏ, bộ râu mép đen nhánh và chiếc áo liền quần màu đỏ trong game cùng tên do Hãng Nintendo, Nhật Bản phát hành. Chỉ một thời gian ngắn sau khi ra đời, Mario đã trở thành trò chơi điện tử nổi tiếng nhất thế giới…
Super Mario, chú lùn duyên dáng. |
Câu chuyện bắt đầu từ năm 1889, ông Fusajiro Yamauchi thành lập một công ty nhỏ là Nintendo Koppai để sản xuất Hanafuda, một loại bài phổ biến của Nhật thường dùng trong các trò chơi cờ bạc. Theo thời gian, Nintendo Koppai trở thành nhà cung cấp Hanafuda hàng đầu thế giới.
Khi cháu trai của Yamauchi là Hiroshi tiếp quản công ty năm 1956, ông bắt đầu tìm kiếm những sản phẩm kinh doanh mới nhưng mãi đến năm 1981, khi các ứng dụng đồ họa trong công nghệ thông tin phát triển thì nhân vật Mario mới ra đời. Thoạt đầu, trò chơi chỉ là những điểm ảnh hiển thị bằng các khối hình vuông nên nhìn Mario giống như được lắp ghép bởi các khối Lego, cố gắng đánh bại con vượn khổng lồ Donkey Kong để cứu cô bạn gái.
Đến năm 1990, khi việc xử lý đồ họa đã tiến một bước dài, nhân vật Mario mới xuất hiện với dáng vẻ tròn trĩnh hơn, gọi là Mario Bros. Lúc này, mặt mũi anh chàng lùn tịt được định hình bằng cái mũi to, hàm râu mép rậm rì, đen nhánh, mặc áo liền quần màu đỏ, vượt qua những chướng ngại vật bằng cách tiêu diệt những trái nấm độc, những con rùa gai hoặc thoát khỏi những cạm bẫy nguy hiểm để đạt được chiến trắng cuối cùng là trèo lên cột cờ rồi kéo lá cờ Nintendo xuống. Chỉ 9 tháng kể từ khi xuất hiện, bộ đồ chơi Mario Bros gọi là Color TV - Game gồm một chiếc hộp bằng nhựa chứa bộ vi xử lý, một hộp nhựa khác nhỏ hơn tích hợp phần mềm trò chơi và một tay cầm điều khiển cũng bằng nhựa với những phím bấm, đã bán được 9 triệu chiếc chỉ riêng tại Nhật.
Năm 1991, Mario Bros bắt đầu cuộc xâm lăng vào thế giới trò chơi điện tử ở nước ngoài và nhanh chóng chiếm được sự yêu thích của các game thủ. Và mặc dù thị trường trò chơi điện tử lúc ấy cũng đã xuất hiện nhiều game đình đám như Astro Boy, Tank War, Arcade…, nhưng Mario Bros vẫn là trò chơi được mua nhiều nhất. Cho đến năm 2000, Mario Bros đã bán được hơn 30 triệu bản ở châu Mỹ, châu Âu, châu Úc, châu Á và cả ở châu Phi. Tiến sĩ George Horn thuộc Ủy ban giáo dục, khoa học và văn hóa LHQ (UNESCO) thời điểm ấy đã nhận định: “Mario Bros là một game đầy tính nhân văn, sáng tạo. Nó không có những cảnh mô tả hay cổ súy bạo lực. Nó tạo cho người chơi, kể cả trẻ em hình thành phản ứng nhanh để vượt qua những thách thức. Bên cạnh đó, nhạc nền của nó cũng cuốn hút người chơi bằng nhịp điệu sôi động…”.
Bị kích thích bởi sự thành công, Hiroshi chuyển sự chú ý của mình sang một trò chơi khác, đang ăn khách lúc bấy giờ là Arcade với những phiên bản “Cuộc đua EVR”, “Phạm vi Radar” do Mỹ sản xuất. Sau vài tháng làm việc miệt mài của những lập trình viên, Nintendo tung ra 3.000 bộ trò chơi Radar Scope vào thị trường Mỹ nhưng thật không may, các đại gia trong ngành trò chơi điện tử Mỹ nhận thấy tuy hình ảnh đồ họa có khác nhưng nội dung thì gần giống game “Space invaders” do Hãng Milton Bradley, Mỹ, phát hành. Hơn nữa Radar Scope của Nintendo lại liên tục phát ra những tiếng “bip” rất khó chịu để cảnh báo người chơi lúc nhân vật chính gặp nguy hiểm, cộng với nhạc nền ồn ào đã khiến Radar Scop chỉ bán được 1.000 bản ở Mỹ, còn tại Nhật thì các game thủ đón nhận nó với thái độ lạnh lùng.
Và thế là Hiroshi lại quay về với Mario Bros. Lần này, ông giao cho nghệ sĩ đồ họa Shigeru Miyamoto tìm cách phát triển và nâng cao tính năng của “chú lùn Mario”. Sau khi cân nhắc một số ý tưởng dựa trên những game ăn khách nhất thế giới, Miyamoto quyết định lấy cảm hứng từ nhân vật Popeye trong truyện tranh và phim truyền hình Mỹ nhưng thay vì để Popeye và Pluto tranh giành tình yêu của cô nàng Olive Oyl, trò chơi của Miyamoto để cho Mario tìm cách giải cứu bạn gái mình là Pauline thoát khỏi tay con khỉ đột Donkey Kong. Nó được đặt tên là Super Mario với hình ảnh đồ họa 3 chiều, tạo cho game thủ cảm giác thật.
Trong suốt quá trình phát triển Super Mario, Hiroshi thuê một nhà kho ở TP.Seattle, bang Oregon, Mỹ làm nơi sản xuất. Một sự trùng hợp tình cờ là chủ nhà kho cũng mang tên Mario Segale. Nhớ lại giai đoạn này, nhà lập trình Miyamoto nói: “Ông ấy rất bẩn tính. Hễ tháng nào mà chúng tôi chưa kịp thanh toán tiền thuê thì ông ấy kiếm cớ chửi chó mắng mèo”. Có lẽ vì thế mà trong game Super Mario, Miyamoto đã nhiều lần cho “chú lùn mũi to” lên bờ xuống ruộng!
Ngay sau khi phát hành, Super Mario đã gặt hái được nhiều thành công rực rỡ nên Miyamoto nhanh chóng phát triển phần 2, trong đó xuất hiện thêm nhân vật Lugi, là anh trai của Mario. Cả hai anh em cùng hợp lực để đánh bại những sinh vật xấu, cố gắng trồi lên từ các ống cống trong thành phố để hãm hại con người. Bên cạnh đó, Nintendo còn phát hành bộ thiết bị trò chơi cho phù hợp với phần mềm đồ họa 3D, gọi là Family Computer, chứa tổng cộng 17 game. Nó đã khiến doanh số của Nintendo tăng vọt ở cả thị trường Nhật Bản lẫn thế giới, đặc biệt là ở Mỹ.
Năm 1998, Nintendo thống trị thị trường thiết bị điều khiển trò chơi điện tử ở Mỹ nhưng tại sao Mario lại trở thành một hiện tượng như vậy? Theo Jeff Ryan, tác giả của “Super Mario: How Nintendo Conquered America? – Mario đã chinh phục nước Mỹ như thế nào?” thì nguyên nhân cơ bản là Nintendo đã biến Mario thành một ngôi sao bởi những tình tiết đơn giản nhưng đầy sáng tạo và kịch tính. Không những thế, Mrio còn xuất hiện trong những game chẳng liên quan gì đến “ống cống và những sinh vật xấu” như vai trọng tài trong game Tennis, vận động viên chơi gôn trong Golf, thủy thủ trong Wrecking Crew, trọng tài trong Punch-Out... nhưng dù ở vai nào, sự có mặt của Mario vẫn là yếu tố thu hút sự chú ý.
Cho đến nay, sau hơn 2 thập kỷ ra đời, chỉ riêng game Mario Bros và Super Mario đã bán được hơn 240 triệu bản, chưa kể cũng khoảng chừng đó bản sao chép lậu. Bất chấp ngành công nghiệp giải trí vẫn không ngừng tìm kiếm những trò chơi “thực tế ảo”, Mario Bros và Super Mario vẫn được xem là trò chơi điện tử phổ biến, ăn khách nhất mọi thời đại...
VŨ CAO (Theo World Games)