100 năm vụ thảm sát Rosewood

Thứ Sáu, 13/01/2023, 19:56 [GMT+7]
In bài này
.

Hàng năm, cứ từ 1/1 đến 7/1, cư dân TP.Rosewood lại tổ chức lễ tưởng niệm 600 cư dân Rosewood bị thảm sát nhưng riêng năm nay, buổi lễ diễn ra lớn hơn bao giờ hết vì nó đánh dấu 100 năm sự kiện bi thảm này.

Thị trấn Rosewood sau vụ thảm sát.
Thị trấn Rosewood sau vụ thảm sát.

Vào đầu những năm 1900, Rosewood là một thị trấn nhỏ ở vùng nông thôn bang Florida, Mỹ, nơi có nhiều cây tuyết tùng đỏ. Cái tên Rosewood cũng phát xuất từ loại cây này mà gỗ của nó dùng làm bút chì.

Năm 1920, cuộc điều tra dân số do quận Levy tiến hành cho thấy Rosewood có 126 hộ gia đình, trong đó 40 hộ là dân da trắng với 156 người, còn lại là da đen với 660 người, phần lớn làm việc trong các nông trại hoặc xưởng cưa, xưởng khai thác nhựa thông. Toàn thị trấn có 1 trường học, 2 cửa hàng bách hóa, một quán rượu kiêm vũ trường và một ga xe lửa.

Vào thời điểm xảy ra vụ thảm sát, bạo lực chủng tộc đang gia tăng trên toàn nước Mỹ. Những người lính da đen trở về nhà sau Chiến tranh thế giới lần thứ I đã phải đối mặt với tổ chức Ku Klux Klan (3K), chủ trương tiêu diệt người da đen. Máu đã đổ ở nhiều nơi hồi mùa Hè 1919 đến nỗi nó được gọi là “mùa hè Đỏ”, chẳng hạn như trong ngày bầu cử ở thị trấn Ocoee, cách Rosewood 160km về phía Đông Nam, 3K đã bắn chết 57 người da đen vì họ… đi bỏ phiếu! Hay như vụ thảm sát Tulsa với 300 người da đen bị giết trong khu vực rất trù phú và thịnh vượng là Greenwood, bang Oklahoma.

Bạo lực tàn phá Rosewood bắt đầu vào trưa thứ Hai, ngày1/1/1923 khi Fannie Taylor, một phụ nữ da trắng đã có chồng bỗng dưng la toáng lên rằng cô ta bị một gã da đen sàm sỡ rồi hành hung. Các cuộc điều tra sau đó cho thấy đúng là Taylor bị hành hung nhưng thủ phạm là gã tình nhân da trắng của cô ta. Sở dĩ Fanie làm lớn chuyện để che dấu việc cô ta ngoại tình nhưng phản ứng ban đầu của cư dân da trắng ở Rosewood là tin vào lời cáo buộc của Fanie!

Khi những người hàng xóm nghe tiếng hét của Fanie, họ chạy đến để xem có chuyện gì rồi tiếp theo là những người làm việc tại xưởng cưa. Mặc dù đang là ngày đầu năm mới nhưng xưởng cưa vẫn hoạt động để bảo đảm tiến độ giao hàng. Wilson, phó cảnh sát trưởng thị trấn Rosewood điện thoại cho cảnh sát trưởng Bob Walker, lúc ấy đang ở quận Bronson, cách Rosewood 36km, yêu cầu Bob Walker về gấp.

Hơn 1 tiếng sau, Bob Walker cùng một nhóm đàn ông da trắng dẫn theo một con chó nghiệp vụ về thị trấn. Sau khi cho chó đánh hơi ở chỗ mà Fanie tố cáo đã bị một người da đen tấn công, con chó đưa nhóm người này đến một con đường mòn rồi sau cùng là một ngôi nhà trống với cửa trước không khóa. Tại đó, con chó chỉ đi quanh quẩn, rõ ràng là nó mất phương hướng. Theo cảnh sát trưởng Bob Walker, có thể kẻ hành hung Fanie đã nhảy lên một chiếc xe ngựa khi nó vừa ngang qua rồi trốn thoát.

Ngày 2/1, nhóm da trắng tìm thấy chủ nhân của ngôi nhà trống là Howard, cựu chiến binh da đen trong Thế chiến I đang nằm dưỡng bệnh tại nhà mẹ anh ta. Lập tức họ kéo Howard ra ngoài rồi trói bằng một sợi dây thừng. Theo lời khai của Minnie Lee Langley, mẹ của Howard đã khóc và hét lớn: “Đừng hành hình con tôi! Nó bị ốm và đã nằm ở nhà tôi suốt 3 ngày”.

Xẩm tối, đám đông da trắng thấy một người da đen là Sam Carter với một toa xe dùng để chở nhựa thông. Cho rằng Sam đã giúp kẻ tấn công Fanie trốn thoát, họ buộc dây thừng vào cổ Sam rồi treo lên để anh ta phải khai ra sự thật. Quá sợ hãi, Sam đành phải chỉ một địa điểm được cho là kẻ tấn công Fanie đã xuống xe nhưng khi đưa chó nghiệp vụ đến, nó cũng chẳng đánh hơi thấy gì. Cuối cùng Sam bị bắn chết bởi Bryant Hudson với lý do “ngoan cố, không thành thật khai báo”.

Mọi thứ dịu xuống trong ngày 2 và 3/1 nhưng đến ngày 4, 15 người da trắng vũ trang kéo vào nhà Sarah Carrier, một phụ nữ da đen làm công việc giặt giũ cho các gia đình da trắng ở Sumner. Họ yêu cầu Sarah phải ra trình diện nhưng bà ta đóng chặt cửa. Thấy vậy, một người da trắng bước lên thềm nhà thì bị con chó nhỏ của Sarah ngoạm vào ống quần. Tức giận, anh ta móc súng bắn một phát. Viên đạn đi qua tấm ván mỏng, giết chết đứa con trai của Sarah lúc ấy đang nằm trốn dưới sàn.

Cũng bắt đầu từ đó, đám đông da trắng nổ súng vào bất kỳ người da đen nào mà họ nhìn thấy. Phần lớn cư dân Rosewood chạy vào rừng và bị giết. Tới trưa, lại có thêm hàng trăm người da trắng vũ trang từ Jacksonville, cách Rosewood khoảng 180km về phía đông bắc tràn vào thị trấn. Họ giết bất cứ ai chưa rời đi, phần lớn là những người già hoặc bị bệnh. Tiếp theo, họ đốt cháy mọi nhà cửa rồi đến chủ nhật ngày 7/1, cuộc tàn sát mới chấm dứt. Tổng cộng có 600 người da đen bị giết, thị trấn Rosewood bị san bằng. Vài ngôi nhà còn sót lại là nhà của người da trắng.

Một tháng sau vụ thảm sát, Tòa án Rosewood triệu tập một cuộc điều tra nhưng chỉ sau 1 ngày, bồi thẩm đoàn tuyên bố họ không tìm thấy người nào sẵn sàng làm chứng. Từ đó, vụ thảm sát rơi vào quên lãng, chẳng một tờ báo hay đài phát thanh nào nói về nó.

Mãi đến năm 1982, Gary Moore, phóng viên da trắng của tờ Florida Review sau một thời gian lục tìm tư liệu, phỏng vấn con cháu của những người chết, đã cho đăng một bài báo nhiều kỳ, tường thuật về câu chuyện này. Năm 1983, Đài truyền hình CBS thực hiện một phim phóng sự dựa trên những thông tin của Gary Moore. Bộ phim được phát hình trên toàn quốc, đã gây ra sự phẫn nộ không chỉ với cộng đồng da đen mà cả nhiều người da trắng.

Năm 1992, con cháu của những người sống sót đệ đơn kiện lên tòa án liên bang, nội dung cho rằng các quan chức địa phương, bao gồm cả thống đốc bang Florida lúc bấy giờ là Cary Hardee đã không bảo vệ được tính mạng và tài sản của cư dân Rosewood. Thượng nghị sĩ Daryl Jones, người da đen, nói trong một phiên điều trần trước Quốc hội năm 1994: “Hệ thống tư pháp của chúng ta đã thất bại trong việc bảo vệ công dân Rosewood. Đây là cơ hội để sửa sai”. Kết quả là cũng trong năm 1994, con cái của những người đã chết ở Rosewood nhận được mỗi người 150.000USD tiền bồi thường. Đây cũng là lần đầu tiên nước Mỹ trả tiền cho người Mỹ da đen vì một sự cố lịch sử liên quan đến chủng tộc…

Năm nay, lễ kỷ niệm 100 năm vụ thảm sát diễn ra vào ngày 7/1, tổ chức bởi Lizzie Polly Robinson Brown Jenkins, 84 tuổi, hậu duệ của những người sống sót và là người sáng lập Real Rosewood Inc, một tổ chức phi lợi nhuận với mục đích bảo tồn lịch sử của thị trấn.

Jenkins nói: “Đã có rất nhiều vụ thảm sát ở Mỹ, nơi người da đen bị lấy đi đất đai hoặc mạng sống. Mục tiêu của chúng tôi là xóa bỏ sự phân chia chủng tộc, chữa lành vết thương tinh thần cho gia đình các nạn nhân...”.

VŨ CAO (Theo History)

 
;
.