Giám đốc Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) Josef Aschbacher thông báo, cơ quan này sẽ nhận được khoản tài trợ 16,9 tỷ euro (17,56 tỷ USD) từ 22 nước thành viên. Đây là kết quả 2 ngày đàm phán tại Paris (Pháp) của các bộ trưởng các nước thành viên ESA về vấn đề tài trợ các dự án không gian của cơ quan này trong 3 năm tới.
Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire nhận định, việc các nước thành viên ESA đạt được thỏa thuận với con số gần 17 tỷ euro là thành công lớn vượt mong đợi, đồng thời cho biết nước này sẽ đóng góp 3,2 tỷ USD.
Trước đó, ESA đã đề nghị 22 nước thành viên cung cấp khoản vốn 18,5 tỷ euro (19,06 tỷ USD) cho các dự án phóng tên lửa, vệ tinh và các dự án mà châu Âu tham gia nghiên cứu về vũ trụ trong giai đoạn 2023-2025. Mức đề xuất trên đã tăng so với ngân sách 14,5 tỷ USD mà ESA được cấp trong giai đoạn năm 2019.
Dù mức vốn mới được thông qua chưa đáp ứng đề xuất hơn 18 tỷ euro, nhưng Tổng giám đốc ESA Josef Aschbacher cũng bày tỏ ấn tượng với con số được các nước thành viên nhất trí, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát cao như hiện nay.
Ông nhấn mạnh, việc tăng vốn cho các dự án nghiên cứu và khám phá vũ trụ là điều cần thiết để đảm bảo châu Âu không bị tụt hậu trong cuộc cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Theo các đại biểu, vòng hỗ trợ tài chính tiếp theo sẽ dành cho khoảng 40 dự án được thiết kế để nghiên cứu và khám phá về khí hậu cũng như các mục tiêu chiến lược khác. Một trong những nội dung khó đạt được thỏa thuận nhất là kế hoạch tài trợ chi tiết cho hệ thống phóng tên lửa Ariane và Vega. Ariane là hệ thống phóng tên lửa tiên phong của ESA đang chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ đối thủ SpaceX (Mỹ) của tỷ phú Elon Musk.
Năm 2019, các nước thành viên ESA đã thông qua ngân sách 14,5 tỷ euro. Điều này đồng nghĩa rằng khoản trợ cấp mới được các nước nhất trí dành cho ESA đã tăng hơn 17% so với ngân sách cho giai đoạn trước.
LÊ ÁNH