EC đạt tiến triển trong đàm phán về lệnh cấm vận dầu mỏ Nga

Thứ Ba, 10/05/2022, 18:46 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 9/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố, bà đã đạt được tiến triển trong đàm phán với Thủ tướng Hungary Viktor Orban về khả năng áp đặt lệnh cấm vận trong toàn Liên minh châu Âu (EU) đối với nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Bà Von der Leyen nêu rõ, cuộc thảo luận với Thủ tướng Orban rất hữu ích, nhằm làm rõ những vấn đề liên quan tới trừng phạt và an ninh năng lượng. Bà khẳng định: "Chúng tôi đã đạt được tiến triển, song vẫn cần tiếp tục làm việc".

Bà Von der Leyen cho biết, bà sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến với các quốc gia khác trong khu vực nhằm tăng cường hợp tác khu vực về cơ sở hạ tầng dầu mỏ.

Một nguồn tin giấu tên của EU cho biết, EC đang cân nhắc việc hỗ trợ các quốc gia ở khu vực phía Đông EU mà không giáp biển như Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng dầu mỏ của họ nhằm thuyết phục những nước này ủng hộ lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga.

EU dự định áp đặt gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, trong đó có kế hoạch loại bỏ dần dầu thô nhập khẩu từ Nga trong vòng 6 tháng và các sản phẩm dầu tinh luyện vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, Hungary cùng các quốc gia Đông Âu khác, những nền kinh tế phụ thuộc lớn vào nguồn cung dầu mỏ từ Nga, không ủng hộ gói trừng phạt này.

Cùng ngày, Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái Italia Roberto Cingolani cho rằng, Italia sẽ đối mặt với vấn đề về nguồn cung năng lượng trong ngắn hạn nếu Nga ngừng cung cấp cho nước này. Theo Bộ trưởng Cingolani, quá trình hướng tới chấm dứt sự phụ thuộc của Italy vào nguồn cung năng lượng từ Nga đã bắt đầu nhưng sẽ mất thời gian.

Cũng giống như các quốc gia thành viên EU khác, Italia đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga do liên quan cuộc xung đột ở Ukraine. Trước đây, Italia nhập khẩu khoảng 29 tỷ m3 khí đốt từ Nga mỗi năm.

Hiện nước này cũng đã đạt được các thỏa thuận cung cấp thay thế gần bằng lượng khí đốt nhập khẩu của Nga này.

Theo Bộ trưởng Cingolani, các nguồn cung thay thế sẽ cung cấp cho Italia khoảng 25 tỷ m3 khí đốt từ năm 2024, số còn lại Italia sẽ nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), các nguồn năng lượng thay thế và các sáng kiến bảo tồn năng lượng khác.

THANH HẰNG

;
.