.

Phương Tây đối mặt với lựa chọn kinh tế khó khăn khi trừng phạt Nga

Cập nhật: 17:02, 08/04/2022 (GMT+7)

 Mỹ thông qua dự luật chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga

Các nước phương Tây vừa đưa ra các biện pháp trừng phạt mới chống Nga do liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Điều này cho thấy những lựa chọn dễ dàng nhất hiện đã cạn kiệt và xuất hiện sự khác biệt lớn giữa các nước đồng minh trong những lệnh trừng phạt tiếp theo.

Một trạm bơm xăng tại Essen, Đức.
Một trạm bơm xăng tại Essen, Đức.

Liên minh châu Âu (EU) đề xuất một động thái đầu tiên để hạn chế lĩnh vực năng lượng của Nga, nhằm phản đối vai trò của Nga trong cuộc xung đột kể từ tháng 2 tại Ukraine, khi cấm nhập khẩu than của Nga.

Tuy nhiên, các nước EU vẫn chia rẽ về lệnh trừng phạt hạn chế nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, vốn quan trọng đối với chính nền kinh tế của các nước EU.

Mỹ và Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) thông báo những biện pháp trừng phạt mới đối với ngân hàng lớn nhất của Nga Sberbank, nhiều doanh nghiệp quốc doanh và nhiều quan chức Chính phủ Nga cùng các thành viên gia đình họ cũng như loại Nga khỏi hệ thống tài chính dựa trên đồng USD.

Mỹ cũng cấm người Mỹ đầu tư mới vào Nga và ngăn cản Nga thanh toán các khoản nợ trái phiếu bằng tiền gửi tại các ngân hàng của Mỹ.

Mặc dù đồng ruble phục hồi lên mức cao nhất trong 6 tuần vào ngày 6/4, các quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho rằng, các biện pháp trừng phạt bắt đầu đẩy Nga trở lại nền kinh tế khắc khổ như những năm 1980.

Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của Mỹ vẫn có khoản cho phép Nga tiếp tục có nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng.

Phát biểu trước các nhà lập pháp Mỹ ngày 6/4, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho rằng, các biện pháp hạn chế mạnh hơn đối với ngành năng lượng Nga là chưa thể thực thi đối với các đồng minh châu Âu, vốn phụ thuộc vào dầu khí của Nga.

Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên EU tiêu thụ, mà theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế đánh giá là hơn 400 triệu USD mỗi ngày. EU nhận được 1/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga, khoảng 700 triệu USD mỗi ngày.

Sự chia rẽ ở châu Âu đã trở nên rõ ràng hơn trong tuần này, sau khi Litva tuyên bố ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga để tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Áo Magnus Brunner đã lên tiếng phản đối các lệnh trừng phạt đối với dầu khí của Nga khi nhấn mạnh rằng những điều này sẽ gây tổn hại cho Áo nhiều hơn Nga.

Ông Daniel Tannebaum, cựu quan chức của Bộ Tài chính Mỹ cho rằng, thiếu sự thống nhất về hạn chế nhập khẩu năng lượng có nghĩa là hạn chế trong các lựa chọn để tăng cường áp lực hơn nữa đối với Nga. Tuy nhiên, lệnh cấm đầu tư đưa ra ngày 6/4 có thể khiến nhiều công ty đa quốc gia rời Nga.

Mỹ cố gắng thúc đẩy các đồng minh châu Âu tăng thêm các đòn trừng phạt Nga, trong khi cố gắng tránh để xảy ra xích mích trong liên minh chống lại Tổng thống Vladimir Putin. Một sự cân bằng đang ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Ông Clayton Allen, quan chức cấp cao trong công ty tư vấn rủi ro tài chính Eurasia Group của Mỹ cho rằng, để chuyển sang một vòng trừng phạt cứng rắn hơn, các quan chức Mỹ cần đưa ra một số bảo đảm với các nước châu Âu rằng thị trường năng lượng và nguồn cung ứng có thể ổn định để tránh khó khăn nghiêm trọng về kinh tế. Ông Allen cho biết thêm rằng, một EU suy yếu về kinh tế sẽ không giúp được nước nào cả.

 Ngày 8/4, Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga và luật hóa lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga.

Đạo luật cũng áp dụng đối với nước láng giềng của Nga là Belarus và cho phép Tổng thống Mỹ Joe Biden tăng thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ Nga.

Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua trước khi luật được thông qua tại Hạ viện nước này.

Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR), còn gọi là quy chế “Tối huệ quốc”, đòi hỏi một quốc gia phải bảo đảm dành cho tất cả các quốc gia đối tác một chế độ ưu đãi thương mại thuận lợi như nhau.

Đây là một nguyên tắc rất cơ bản trong quan hệ thương mại quốc tế hiện đại.

HÀ CHUNG

.
.
.