Lý do những nơi phòng dịch nghiêm ngặt lại bị Omicron tàng hình tấn công mạnh hơn
Miễn dịch do lây nhiễm tự nhiên hoăc tiêm chủng là yếu tố quan trọng nhất trong nỗ lực kiểm soát COVID-19 hiện nay. Đây cũng là yếu tố giải thích lý do một số quốc gia áp đặt hạn chế nghiêm ngặt lại bị chủng phụ của Omicron tấn công nặng nề hơn.
Nửa phía đông của TP.Thượng Hải (Trung Quốc) đã bị phong tỏa từ ngày 28/3. |
Theo CNA, ngay khi các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 bắt đầu có xu hướng suy giảm sau đỉnh dịch hồi tháng 1, số ca mắc trên toàn thế giới lại tiếp tục gia tăng. Nguyên nhân gây ra đợt dịch mới nhất này là do sự xuất hiện của BA.2 - chủng phụ dễ lây lan hơn của biến thể Omicron. Tại Anh, việc giao tiếp xã hội ngày càng tăng và hiệu quả của vaccine suy giảm đang thúc đẩy làn sóng lây nhiễm gia tăng.
Song biến thể mới đang ảnh hưởng nặng nề hơn ở những nơi áp đặt hạn chế nghiêm ngặt. Tại các khu vực trước đây từng ghi nhận rất ít ca mắc – như New Zealand, Hong Kong (Trung Quốc) và Hàn Quốc, tỷ lệ mắc bệnh đang vượt xa nhiều nước châu Âu trong giai đoạn tồi tệ nhất. Những nước này có xu hướng áp dụng chiến lược “không COVID”, bao gồm kiểm soát biên giới chặt chẽ và các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt trong nước để hạn chế lây nhiễm.
Tỷ lệ lây nhiễm tự nhiên thấp
Trước COVID-19, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh này, dù trong phạm vi quốc gia hay biên giới của quốc gia đó, hiếm khi ngăn được dịch bệnh lây lan trong thời gian dài. Thông thường, những biện pháp như phong tỏa, cách ly – chỉ có thể làm chậm tốc độ lây lan của dịch bệnh. Song không thể phủ nhận những biện pháp này có thể làm phẳng đường cong của dịch bệnh, giảm bớt áp lực cho các dịch vụ y tế, cho đến khi tìm ra các phương pháp điều trị thích hợp và đảm bảo độ bao phủ vaccine.
Trên thực tế, yếu tố kiểm soát dịch bệnh có ảnh hưởng nhất là khả năng miễn dịch, có thể được tạo ra từ lây nhiễm tự nhiên hoặc tiêm chủng. Cả hai yếu tố này đều quan trọng bởi ở bất kỳ quốc gia nào, chấm dứt đại dịch sẽ không chỉ phụ thuộc vào tỷ lệ tiêm chủng, mà còn cả tỷ lệ nhiễm bệnh.
Ở những người chưa được tiêm chủng, lây nhiễm tự nhiên chỉ có mức độ bảo vệ nhất định. Trong khi các ca lây nhiễm đột phá - các trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nhưng vẫn mắc COVID-19 - sẽ tạo khả năng miễn dịch ở mức cao hơn.
Trên thực tế, miễn dịch sau lây nhiễm tự nhiên sẽ tạo ra “lá chắn” bảo vệ tốt hơn, giúp ngăn ngừa virus hiệu quả hơn trong tương lai so với khả năng miễn dịch từ mũi vaccine tăng cường.
Điều này có thể giải thích lý do một số quốc gia đang xử lý các đợt bùng dịch do Omicron tốt hơn những quốc gia khác. Tại Anh, ngoài tỷ lệ tiêm chủng ở mức cao, phần lớn người dân đều đã mắc COVID-19, thậm chí nhiều người đã nhiễm virus hơn 1 lần. Các chuyên gia khẳng định số ca mắc ở Anh vẫn sẽ gia tăng nhưng không cao như ở một số khu vực khác. Tỷ lệ tử vong và bệnh nặng ở quốc gia này cũng ở mức tương đối thấp.
Còn ở những quốc gia từng theo đuổi chiến lược “không COVID”, dù có tỷ lệ bao phủ vaccine cao, nhưng họ vẫn đang chứng kiến số ca mắc và tử vong cao hơn khi mở cửa. Việc có ít người dân mắc bệnh trước đó có nghĩa là khả năng miễn dịch trong cộng đồng thấp hơn.
Vaccine vẫn là “lá chắn” quan trọng
Dù thực tế là cả Hong Kong (Trung Quốc) và New Zealand đều đang phải hứng chịu làn sóng lây nhiễm gia tăng mạnh mẽ trong thời gian gần đây, tác động đến sức khỏe cộng đồng ở hai nơi lại có sự khác biệt đáng kể.
New Zealand, quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao, đang trải qua sóng dịch với ít ca tử vong hơn. Trái lại, Hong Kong đã ghi nhận nhiều ca tử vong hơn, với tỷ lệ tử vong/1 triệu dân, trong 4 tuần tính đến ngày 18/3, cao gấp 38 lần New Zealand.
Sự khác biệt này là do chiến dịch tiêm chủng ở 2 khu vực hoàn toàn khác nhau. Tại Hong Kong, tỷ lệ tiêm mũi thứ 2 và mũi tăng cường thấp hơn nhiều so với New Zealand, đặc biệt là ở nhóm người cao tuổi dễ bị tổn thương.
Có quá vội khi dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch trước biến thể mới?
Nhiều quốc gia đã quyết định dỡ bỏ các hạn chế phòng COVID-19 dù các ca mắc vẫn ở mức cao. Đây có phải là động thái đúng đắn?
Các chuyên gia nhận định không có câu trả lời chính xác, nhưng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh này chỉ có thể làm chậm tỷ lệ lây nhiễm chứ không thể đánh bại virus. Các biện pháp này chỉ nên tiếp tục được áp đặt nếu lợi ích trong việc ngăn lây nhiễm lớn hơn ảnh hưởng đối với xã hội và sức khỏe con người.
Cũng có một yếu tố quan trọng khác cần phải xem xét. Giới khoa học cho biết tác dụng bảo vệ của vaccine trong việc ngăn lây nhiễm sẽ suy giảm nhanh hơn tác dụng của vaccine trong việc ngăn bệnh nặng và tử vong. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy khả năng giảm bệnh nặng của vaccine cũng sẽ mất dần theo thời gian.
Và cuối cùng, dù việc dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch rất cần thiết để đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường, nhưng một số nước vẫn còn một lượng lớn dân số già dễ bị tổn thương về mặt lâm sàng, những người chưa nhiễm virus và khả năng miễn dịch vaccine đang suy yếu. Theo giới chuyên gia, các quốc gia nên tập trung vào việc ngăn nhóm này phát triển bệnh nặng, như tiêm chủng hoặc sử dụng thuốc kháng virus - hơn là cố gắng giảm lây nhiễm trong dân số nói chung.
HẢI VÂN