Hàn Quốc, Australia xem xét điều chỉnh chiến lược chống dịch
Ngày 8/4, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum cho biết, chính phủ nước này dự kiến thông qua lần cuối quyết định điều chỉnh hạ cấp độ nguy hiểm của dịch COVID-19 trong bối cảnh dịch bệnh đang có xu hướng giảm rõ rệt.
Hiện Hàn Quốc đang xếp COVID-19 vào danh mục bệnh truyền nhiễm cấp 1, cấp nguy hiểm nhất trong 4 cấp độ.
Ngoài COVID-19, các bệnh truyền nhiễm cấp 1 bao gồm hội chứng hô hấp cấp tính, hội chứng hô hấp Trung Đông, Ebola, cúm H1N1 và bệnh đậu mùa.
Chính phủ Hàn Quốc đang cân nhắc hạ cấp độ cảnh báo dịch COVID-19 từ cấp 1 xuống cấp 2.
Động thái này có thể dẫn đến việc thay đổi đáng kể biện pháp đối phó dịch, như giảm thời gian cách ly hoặc thậm chí bỏ các biện pháp tự cách ly.
Phát biểu tại cuộc họp ở Seoul, Thủ tướng Kim Boo-kyum cho biết, Hàn Quốc cần rà soát xem các nguồn lực y tế của quốc gia hiện được sử dụng thích hợp hay không, khi đã vượt qua đỉnh dịch do biến thể Omicron.
Ông Kim cho rằng, Hàn Quốc cần đảm bảo khả năng bền vững của hệ thống y tế và đối phó với virus trong khi giảm áp lực đối với xã hội.
Nhà chức trách có kế hoạch giảm số giường bệnh cho nhóm bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ và các trung tâm điều trị tùy theo tình hình khu vực.
Trong khi đó, tại Australia, Giám đốc Cơ quan Y tế nước này Paul Kelly cho rằng, đã đến lúc chuyển sang sử dụng một khái niệm mới về dịch bệnh COVID là “số ca tử vong tăng cao bất thường”.
Giải thích về khái niệm này trong phiên điều trần trước Quốc hội hôm 6/4, Giáo sư Kelly cho biết, “số ca tử vong tăng cao bất thường” là mức chênh lệch giữa số người ước tính tử vong trong một khoảng thời gian, trong một sự kiện như đại dịch toàn cầu, và số tử vong thực tế được ghi nhận.
Dựa trên khái niệm mới này, công tác quản lý dịch bệnh COVID-19 sẽ tập trung nhiều hơn vào việc giảm nguy cơ những người mắc bệnh nặng thay vì đặt trọng tâm vào các biện pháp nhằm giảm lây lan trong thời gian tới.
Giáo sư Kelly cho hay, vào thời điểm hiện tại, Australia đang đối phó hiệu quả với làn sóng dịch bệnh COVID-19 và hệ thống y tế trong nước sẵn sàng để đối mặt với các loại biến thể mới có thể xuất hiện trong tương lai.
Cựu Giám đốc Y tế Australia, Tiến sĩ Nick Coatsworth cũng cho rằng, đã đến lúc dừng báo cáo số ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 hằng ngày do Australia là một trong 5 quốc gia duy nhất ghi nhận “tỷ lệ tử vong ở mức âm” (tỷ lệ tử vong ít hơn mức dự báo dựa trên các ghi nhận thực tế).
Một trong những lý do để đạt được kết quả tích cực này là Australia có tỷ lệ bao phủ vaccine ngừa COVID-19 cao hàng đầu thế giới.
Tính đến ngày 8/4, Australia có hơn 480.000 ca mắc bệnh COVID-19 đang hoạt động, chiếm gần 2% dân số.
Tuy nhiên, theo giáo sư Catherine Bennett, chuyên gia dịch tễ học thuộc trường Đại học Deakin, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên thực tế trong cộng đồng có thể cao gấp 2 đến 2,5 lần, chiếm khoảng 2-4% dân số.
Dù số ca mắc bệnh COVID-19 tương đối cao, nhưng các cơ sở y tế của Australia không phải đối mặt với sức ép lớn.
Chính vì vậy, các chuyên gia và giới chức y tế đang cân nhắc giảm các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nói chung, thay vào đó chỉ tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao, như những người lớn tuổi và những người có bệnh lý nền.
Hôm 5/4, Thủ tướng Scott Morrison lên tiếng kêu gọi chính quyền các địa phương nhanh chóng nới lỏng quy định cách ly bắt buộc đối với những người tiếp xúc gần của các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm việc không yêu cầu người tiếp xúc gần phải cách ly nếu có xét nghiệm âm tính với virus.
DIỆU LINH