Phiên thảo luận chung với chủ đề “Khủng hoảng, Chống chịu và Phục hồi - Tăng tốc Thực hiện Chương trình nghị sự 2030” của Ủy ban chuyên trách các vấn đề kinh tế, tài chính của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã diễn ra từ ngày 5-8/10.
Nhân viên y tế Việt Nam tiêm vắc xin mũi 2 cho người dân. |
Tại phiên họp, bà Vanessa Frazier, Chủ tịch Ủy ban, nhấn mạnh yêu cầu ứng phó đại dịch và phục hồi kinh tế trên toàn cầu thông qua đẩy nhanh phát triển bền vững. Bà cho rằng Liên hợp quốc cần có các khuyến nghị hành động, tăng cường đoàn kết quốc tế, định hình phương hướng chính sách giúp các nước thoát khỏi đại dịch và đạt các Mục tiêu về phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Trong Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76, Ủy ban sẽ tập trung thảo luận tác động của đại dịch, chính sách ứng phó về kinh tế vĩ mô, tài chính, thương mại, quản lý nợ cũng như đánh giá hiệu quả thực hiện xóa nghèo, an ninh lương thực và nhiều chủ đề phát triển bền vững khác.
Trong phần thảo luận chung, ông Collen Vixen Kelapile, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) đánh giá các nước nghèo đang thiếu vắc xin và nguồn lực để phục hồi kinh tế.
Kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 4,1% trong năm 2022 nhưng có chênh lệch lớn giữa các nước giàu và nghèo. Các chuyên gia dự họp cho rằng đại dịch COVID-19 đã bộc lộ sự thiếu chuẩn bị trên toàn cầu trong việc xử lý các thách thức y tế, khí hậu.
Các chuyên gia kêu gọi chống suy thoái kinh tế và bất ổn xã hội, đồng thời ưu tiên hỗ trợ phục hồi xanh và huy động mọi thành phần xã hội tham gia. Nhiều nước nhấn mạnh tình trạng tiếp cận không công bằng về vắc xin, giáo dục, công nghệ và đề nghị hỗ trợ tài chính cho phục hồi sau dịch.
Nhiều ý kiến kêu gọi khẩn cấp thực hiện hợp tác chuyển giao công nghệ giúp các nước nghèo để tăng cường năng lực sản xuất và gắn kết xã hội, kêu gọi cam kết tài trợ ứng phó biến đổi khí hậu và phản đối áp đặt chính sách đối với nước đang phát triển.
Phát biểu đại diện quốc gia, Tham tán công sứ Nguyễn Phương Trà, Phó Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc nhấn mạnh các biện pháp kiềm chế đại dịch, trong đó có phổ cập vắc xin ngừa COVID-19 để thích ứng với dịch bệnh trong tình hình bình thường mới và bảo đảm an sinh xã hội để giữ ổn định chính trị-xã hội.
Đại diện Việt Nam cũng ủng hộ các biện pháp nhằm thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững 2030 (SDGs 2030), đặc biệt là việc hỗ trợ các nước đang phát triển xây dựng năng lực, chuyển giao công nghệ và ưu đãi tài chính.
Việt Nam khẳng định các cam kết thực hiện SDGs 2030 và thông tin về các mục tiêu phát triển bền vững được Việt Nam lồng ghép vào chính sách quốc gia. Coi trọng hợp tác với Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế trong ứng phó đại dịch và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
NGUYỄN VÂN