Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch cảnh báo rất nhiều lĩnh vực kinh tế Trung Quốc sẽ chịu tác động, với nguy cơ tín dụng tăng cao, nếu tập đoàn bất động sản Evergrande lớn thứ 2 tại quốc gia này phá sản. Tuy nhiên, theo Fitch tác động tổng thể với lĩnh vực ngân hàng sẽ nằm trong tầm kiểm soát.
Evergrande vẫn đang nỗ lực huy động vốn để thanh toán cho các chủ nợ và các nhà cung cấp trong bối cảnh tập đoàn đang đứng trước nguy cơ phá sản với nhiều tác động lan rộng có thể xảy ra hoặc trong kịch bản ít khả năng xảy ra hơn là Bắc Kinh sẽ tung ra gói cứu trợ tập đoàn này.
Giới chức quản lý thị trường cảnh báo hệ thống tài chính Trung Quốc có thể đứng trước nguy cơ lớn hơn nếu công ty đang gánh khoản nợ lên tới 305 tỷ USD này phá sản.
Trong thông báo ngày 14/9, Fitch cho rằng nếu Evergrande không trả được nợ thì tình trạng phân cực tín dụng sẽ trở nên sâu sắc hơn trong nhóm các công ty xây dựng nhà ở và dẫn tới những cơn gió ngược cho các ngân hàng nhỏ.
Trước đó, ngày 7/9, Fitch đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Evergrande từ mức “CC” xuống “CCC+,” thể hiện hãng này đã nhận thấy có thể xảy ra tình trạng nợ xấu ở một mức độ nào đó.
Ngày 14/9, Evergrande thừa nhận đang chịu “áp lực to lớn” và có thể không đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của mình đồng thời thông báo đã liên hệ với các nhà tư vấn tài chính để dánh giá những giải pháp cho tập đoàn này.
Evergrande còn cảnh báo về các rủi ro vi phạm chéo (cross-default risk) giữa lúc doanh thu bán tài sản lao đốc mạnh và chuyển nhượng tài sản chậm.
Theo Fitch, Evergrande có 572 tỷ nhân dân tệ (88,8 tỷ USD) vay từ các ngân hàng và các thể chế tài chính khác trong khi các khoản nợ các nhà cung cấp là 667 tỷ nhân dân tệ.
Không loại trừ khả năng các ngân hàng còn phải chịu những nguy cơ gián tiếp từ những nhà cung cấp đang bị Evergrande nợ tiền. Theo Fitch, nguy cơ áp lực giá nhà ở sẽ tăng đánh kể nếu Evergrande vỡ nợ.
Hãng xếp hạn tín nhiệm này hy vọng khi đó Bắc Kinh sẽ có động thái nhằm bảo vệ quyền lợi cho các chủ sở hữu nhà ở, đảm bảo bàn giao nhà ở đúng cam kết.
Trước đó, ngày 12/9, một nhóm nhà đầu tư đã tập trung tại sảnh của trụ sở Evergrande tại Thâm Quyến, để đòi thanh toán nợ và tất toán tài chính. Đến ngày 14/9, khoảng 40 người biểu tình đã tập trung trước cổng vào trụ sở để biểu tình.
Mạng xã hội Trung Quốc cũng lan truyền những hình ảnh cho thấy biểu tình đòi nợ liên quan Evergrande xảy ra ở nhiều nơi trên đất nước.
Trong phiên giao dịch sáng 15/9, cổ phiếu Evergrande giảm thêm 5% xuống mức 2,82 HKD/cổ phiếu, thấp nhất kể từ tháng 1/2014 và giảm khoảng 80% kể từ đầu năm tới nay.
Tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc được Xu Jiayin thành lập vào năm 1996. Ông này đã trở thành người giàu nhất Trung Quốc trong thời kỳ bùng nổ thị trường bất động sản của nước này vào những năm 1990.
Ông Xu Jiayin đã đổ tiền vào các dự án phát triển hàng loạt ở các thành phố mới, huy động được 9 tỷ USD trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hồi năm 2009 tại Hong Kong.
Song hoạt động của Evergrande bắt đầu đi xuống khi Chính phủ Trung Quốc áp đặt “3 lằn ranh đỏ” mới đối với lĩnh vực bất động sản vào tháng 8/2020. Diễn biến đó buộc tập đoàn này phải bán bớt các bất động sản với mức chiết khấu ngày càng cao, dẫn tới thua lỗ nặng nề.
LÊ ÁNH