Mỹ từng phải chịu thảm họa khi trừng phạt kinh tế nước khác
Sự kiện Quân đội Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng vào ngày 7-12-1941 gây chấn động toàn thế giới và nguyên nhân sâu xa là lệnh trừng phạt kinh tế của Washington.
Chiến đấu cơ Nhật Bản không kích căn cứ Hải quân Mỹ tại Trân Châu Cảng năm 1941. |
Ngày 7-12-1941, Hải quân Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng, khiến hơn 2.400 thủy thủ, lính thủy đánh bộ và binh sĩ Mỹ thiệt mạng. Vụ tấn công bất ngờ này do hàng trăm máy bay của Không quân Hải quân Nhật Bản thực hiện, với sự tham gia của 4 tàu sân bay hạng nặng. Vụ tấn công khiến Mỹ buộc phải tham gia vào cuộc chiến tranh thế giới mà họ luôn tìm mọi cách tránh né.
Song vụ tấn công khiến cho người dân Mỹ lúc bấy giờ không khỏi bàng hoàng ấy lại có nguồn gốc sâu xa kéo dài từ rất lâu. Khi ấy, quan hệ giữa Mỹ và Đế quốc Nhật Bản sau vài thập kỷ yên bình trở nên suy thoái trong khoảng hơn 10 năm và cuối cùng lệnh cấm vận dầu mỏ mà Mỹ áp đặt chống Đế quốc Nhật Bản châm ngòi cho cuộc chiến tranh.
Năm 1931, Đế quốc Nhật Bản tấn công và chiếm đóng Mãn Châu, sau đó năm 1933, Đế quốc Nhật Bản rời khỏi Hội Quốc Liên và bắt đầu theo đuổi chính sách đối ngoại hung hăng. Chính quyền Đế quốc Nhật Bản khi ấy theo đuổi tham vọng xây dựng “Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á”, thuật ngữ dùng để chỉ mô hình đế quốc theo chuẩn mực của các cường quốc châu Âu lúc bấy giờ. Quân đội Đế quốc Nhật Bản bắt đầu xâm lược Trung Quốc, sự kiện cầu Marco Polo năm 1937 khơi mào cho cuộc chiến tranh trên quy mô lớn. Trong thời gian Đế quốc Nhật Bản chiếm đóng, có khoảng 20 triệu người Trung Quốc thiệt mạng và Anh, Pháp, Mỹ bắt đầu viện trợ cho phía Trung Quốc.
Tháng 9-1940, Đế quốc Nhật Bản cùng Đức Quốc xã và Italia hình thành nên phe Trục. Khi quân đội Đế quốc Nhật Bản bắt đầu xâm lược khu vực Đông Nam Á, Mỹ có phản ứng quyết liệt. Tổng thống Mỹ khi ấy là Franklin Roosevelt ban hành lệnh cấm vận dầu mỏ và phong tỏa tất cả tài sản của Nhật Bản tại Mỹ nhằm gây áp lực buộc Đế quốc Nhật Bản rút quân khỏi các khu vực chiếm đóng. Lệnh cấm vận này là thảm họa với nền kinh tế của Đế quốc Nhật Bản, khiến thương mại với nước ngoài của Nhật Bản giảm đến 75%, đồng thời lượng dầu nhập khẩu giảm đến 90%.
Đế quốc Nhật Bản quyết định thực hiện tấn công tổng lực để gạt Mỹ ra khỏi khu vực Thái Bình Dương nhằm đảm bảo nguồn cung dầu mỏ và các tài nguyên khác khi họ xâm lược khu vực Đông Nam Á. Sau cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng, Nhật Bản xâm lược nhiều khu vực trong đó có Singapore, Myanmar, Philippines, Malaysia và thậm chí cả New Guinea. Nhưng người Nhật khi ấy không biết rằng họ đã châm ngòi cho cuộc chiến tranh mà họ không thể thắng.
Nước Mỹ khi ấy là cường quốc công nghiệp mạnh nhất thế giới, người khổng lồ đang ngủ yên. Với khả năng huy động mọi nguồn lực cùng dân số lớn, Mỹ đủ khả năng chế tạo những phương tiện chiến tranh với số lượng lớn hơn nhiều lần so với Đế quốc Nhật Bản. Chỉ trong năm 1943, Mỹ chế tạo hơn 85.000 máy bay các loại trong khi Nhật Bản chỉ chế tạo được 16.000 chiếc.
Đô đốc Isoroku Yamamoto, người lên kế hoạch tấn công Trân Châu Cảng, nhận định về cuộc chiến tranh trên biển với Mỹ như sau: “Nếu tôi được lệnh tấn công bất chấp hậu quả, tôi có thể tung hoành trong 6 tháng đầu tiên hoặc thậm chí 1 năm, nhưng tôi không dám chắc cho năm thứ 2 hoặc thứ 3”.
Trận Midway diễn ra sau trận Trân Châu Cảng chỉ 6 tháng, trong trận đánh này Hải quân Đế quốc Nhật Bản mất đến 4 tàu sân bay và không thể bổ sung được và cục diện chiến tranh bắt đầu thay đổi. Có thể nói rằng, nhận định của đô đốc Yamamoto là lời tiên tri trở thành hiện thực.
NGUYỄN TIẾN