.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự ACMECS lần 8 và CLMV lần 9: Chung tay mở chương mới cho hợp tác khu vực Mekong

Cập nhật: 16:52, 15/06/2018 (GMT+7)

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-o-cha và Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) lần thứ 8 và Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar -Việt Nam (CLMV) lần thứ 9 tổ chức tại Bangkok, Thái Lan từ ngày 15 và 16-6.

Chiều 15-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến sân bay quân sự Don Muang, thủ đô Bangkok, bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị cấp cao ACMECS lần thứ 8 và CLMV lần thứ 9. Ảnh: QUANG HIẾU 
Chiều 15-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến sân bay quân sự Don Muang, thủ đô Bangkok, bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị cấp cao ACMECS lần thứ 8 và CLMV lần thứ 9. Ảnh: QUANG HIẾU 

Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS - tên của 3 dòng sông chính trong lưu vực sông Mekong) thành lập năm 2003, là khuôn khổ hợp tác kinh tế gồm 5 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam với mục tiêu bao trùm là bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung. Mục tiêu chính của ACMECS là nâng cao sức cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực biên giới các nước, thúc đẩy phát triển nông nghiệp và công nghiệp một cách hiệu quả nhất, mở rộng cơ hội việc làm và thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các quốc gia. Đến nay ACMECS có 8 lĩnh vực hợp tác gồm: Thương mại-đầu tư; nông nghiệp; công nghiệp-năng lượng; giao thông; du lịch; phát triển nguồn nhân lực; y tế; môi trường. Mỗi nước ACMECS điều phối ít nhất 1  lĩnh vực hợp tác, trong đó Thái Lan điều phối 2 lĩnh vực là thương mại-đầu tư và y tế; Việt Nam điều phối 2 lĩnh vực là phát triển nguồn nhân lực và công nghiệp - năng lượng và Việt Nam đồng điều phối với Campuchia trong lĩnh vực môi trường; Campuchia điều phối hợp tác du lịch; Lào điều phối hợp tác giao thông; Lào, Myanmar điều phối nông nghiệp. Hội nghị Cấp cao ACMECS được tổ chức 2 năm 1 lần theo luân phiên chữ cái tên các nước.

Với mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển và thúc đẩy hội nhập của các nước CLMV vào tiến trình phát triển chung của khu vực, ngày 28-11-2004, lãnh đạo cấp cao các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam tổ chức Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ nhất tại Lào. Hợp tác CLMV là cơ chế hợp tác mở, một mặt phát huy lợi thế, tiềm năng hợp tác sẵn có của các nước CLMV, nhưng mặt khác là kênh kêu gọi hỗ trợ của các nước ASEAN khác và các đối tác phát triển dành cho các nước CLMV. Hơn nữa, hợp tác CLMV cũng là diễn đàn để các nước CLMV phối hợp lập trường góp phần bảo vệ lợi ích của các nước CLMV trong tiến trình liên kết kinh tế ASEAN cũng như giữa ASEAN với đối tác khác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…).

Sau hơn 15 năm, hợp tác CLMV và ACMECS đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các nước khu vực Mekong, thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN. Nhờ các cải cách kinh tế sâu rộng và nỗ lực tự do hóa và tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, khu vực Mekong đã trở thành khu vực phát triển năng động và là động lực tăng trưởng quan trọng của ASEAN.

Là thành viên tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng trong hợp tác CLMV và ACMECS. Trong cả 2 cơ chế hợp tác CLMV và ACMECS, Việt Nam đều đóng vai trò điều phối một số lĩnh vực hợp tác chuyên ngành và đã triển khai được nhiều hoạt động thiết thực giúp thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa 5 quốc gia. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc sử dụng bền vững tài nguyên lưu vực sông Mekong, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác về môi trường và quản lý nguồn nước. Việt Nam đã thúc đẩy thành lập nhóm công tác về môi trường trong khuôn khổ ACMECS và hiện đóng vai trò đồng chủ trì nhóm công tác…

AN BÌNH

 

.
.
.