.

Đối đầu quân sự Israel và Iran: Bên nào sẽ giành chiến thắng?

Cập nhật: 15:54, 15/06/2018 (GMT+7)

Trong bối cảnh liên tiếp diễn ra các lần đáp trả quân sự giữa Iran và Israel tại khu vực tranh chấp Cao nguyên Golan, giới quan sát lo ngại về nguy cơ một cuộc xung đột trực tiếp giữa Tehran và Tel Aviv. Vậy nếu thực sự kịch bản chiến tranh xảy ra, với tiềm lực quân sự của mình, Israel và Iran, ai sẽ giành ưu thế?

Máy bay chiến đấu mới nhất của Iran, Qaher-313 (trái) và Hệ thống phòng không Iron Dome của Israel.
Máy bay chiến đấu mới nhất của Iran, Qaher-313 (trái) và Hệ thống phòng không Iron Dome của Israel.

Theo số liệu của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) được công bố trên trang mạng GlobalFirepower.com, trong khi ngân sách quốc phòng của Iran là 6,3 tỷ USD, có 534.000 quân nhân, 505 máy bay quân sự, 1.650 xe tăng, 398 phương tiện hải quân các loại thì bên phía Israel ngân sách quốc phòng rơi vào khoảng 20 tỷ USD, có 147.000 quân nhân, 596 máy bay quân sự, 2.760 xe tăng và 65 phương tiện hải quân. Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra một cuộc đối đầu quân sự giữa Iran và Israel, yếu tố chủ chốt để đánh giá năng lực của mỗi bên dựa trên chất lượng vũ khí và trang thiết bị quân sự. Và chính lý do này khiến Israel chiếm ưu thế trước Iran.

Theo đánh giá của các chuyên gia quan sát, một khi xảy ra đối đầu quân sự, lực lượng vũ trang của Israel sẽ không lựa chọn chiến dịch tấn công trên mặt đất đối với Iran, vì xét theo tương quan dân số, số dân của Iran là 82 triệu người, gấp 10 lần số dân của Israel (8,3 triệu người). Israel sẽ tận dụng lực lượng Không quân và phương thức tấn công tên lửa hải quân để đối phó với kẻ địch.

Về phần mình, Iran cũng rất khó tấn công Israel trên đất liền. Rất có thể quốc gia Cộng hòa Hồi giáo này sẽ triển khai tấn công bằng tên lửa quy mô lớn nhằm vào Israel từ lãnh thổ Iran và lợi dụng phong trào Hezbollah và Hamas như một lực lượng ủy nhiệm trên mặt đất.

Lực lượng không quân: Phần lớn máy bay chiến đấu của Iran đã lỗi thời, bao gồm chiến đấu cơ F-4 và F-5 của Mỹ sản xuất từ những năm 1950, máy bay MiG-21 thời kỳ Xô viết, Su-20, Su-24, Su-25 và MiG-25 đều phát triển trong những năm 1970-1980. Không chỉ có vậy, rất nhiều máy bay chiến đấu của Iran không còn khả năng hoạt động trong quân đội. Mặc dù Iran mới đây cũng đã được trang bị thêm máy bay chiến đấu mới - Qaher-313 – và tự sản xuất thêm các chiến đấu cơ nội địa song theo đánh giá của các chuyên gia, khả năng tiến hành các chiến dịch quân sự trên đất Israel là rất khó.

Trả lời phỏng vấn Đài Sputnik, Tướng nghỉ hưu Không quân Israel Baharav nhận xét: “Không quân Iran về cơ bản là chỉ bao gồm các máy bay cũ của Mỹ. Tôi tin rằng lực lượng Không quân Iran chỉ có thể phản ứng nếu như Israel buộc phải bay vào không phận Iran. Khoảng cách và các yếu tố khác đều là nguyên nhân. Tất nhiên người Iran có thể thử tấn công trên lãnh thổ Israel, nhưng năng lực máy bay chiến đấu của họ thực sự bị hạn chế khi phải hoàn thành nhiệm vụ như vậy. Thay vì máy bay, tên lửa của họ mới là mối đe dọa lớn hơn với Israel”. Về phần mình, Israel có những chiến đấu cơ tối tân của Mỹ, bao gồm F-15, F-16 và máy bay thế hệ thứ 5 F-35. Theo các chuyên gia hàng không, Không quân Israel là một trong 5 lực lượng không quân mạnh nhất thế giới, bên cạnh Mỹ, Nga, Trung Quốc và Anh.

Lực lượng hải quân: Theo tờ National Interest, Hải quân Iran sở hữu 21 tàu ngầm mini lớp Ghadir được thiết kế hoạt động trong vùng nước nông ở Vịnh Ba Tư. Bên cạnh đó, Iran còn tiếp nhận 3 tàu ngầm điện-diesel lớp Kilo của Nga từ những năm 1990. Mặc dù về mặt số lượng tàu chiến, Iran có thể đè bẹp Israel song về khả năng chiến đấu, Israel lại vượt trội hơn với 6 tàu ngầm lớp Dolphin được trang bị tên lửa hành trình có thể mang theo đầu đạn hạt nhân.

Vũ khí hạt nhân: Israel luôn được biết đến là một cường quốc hạt nhân ở Trung Đông với 100-500 đầu đạn hạt nhân có trong kho vũ khí. Ngoài ra, quốc gia này còn tự chế tạo tên lửa đạn đạo. Năm 1989, Tel Aviv thành công thử nghiệm tên lửa đạn đạo Jericho-2 có tầm phóng nhằm vào các mục tiêu ở khoảng cách xa đến 1.500km. Israel được đánh giá là quốc gia duy nhất ở Trung Đông có thể triển khai một cuộc tấn công hạt nhân toàn diện trên cả mặt đất, biển và trên không.

Để đối phó với mối đe dọa tên lửa Iran, Tel Aviv còn xây dựng hệ thống phòng không tự động bất chấp mọi thời tiết Iron Dome (Vòm Sắt). Hệ thống này đã nhiều lần chứng minh được năng lực khi cản phá được các tên lửa của Hezbollah và Hamas.

Kết luận, một khi thực sự xảy ra chiến tranh giữa Israel và Iran, với năng lực quân sự của mình, Israel dường như sẽ chiếm ưu thế so với Cộng hòa Hồi giáo Iran. Tuy nhiên, giới quan sát cũng cho rằng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa hai quốc gia này còn khá mơ hồ. “Cả Israel và Iran đều nhận thức rõ mỗi bên phải trả giá cho một cuộc chiến như thế nào. Tôi hi vọng hai bên sẽ tránh xa kịch bản đó”, Rachel Brandenburg – chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Hội đồng Atlantic nhận định.

BẢO HÀ

.
.
.