Thảm họa kinh hoàng trên sân vận động Port Said - Ai Cập - Bài cuối: Trách nhiệm thuộc về ai?
Vài ngày sau khi xảy ra vụ bạo loạn chết người ở SVĐ Port Said, cảnh sát bắt giữ hàng trăm kẻ quá khích, trong đó 74 người bị truy tố ra tòa về tội sát nhân. Bên cạnh đó, chính phủ còn ra lệnh cấm tất cả các cuộc thi đấu bóng đá trong 2 năm và điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến đội tuyển quốc gia Ai Cập…
Các cầu thủ cũng phải chạy thoát thân. |
VỤ THẢM SÁT ĐÃ ĐƯỢC DÀN DỰNG?
Ngày 2-2-2012, một ngày sau khi xảy ra vụ bạo động, Quốc hội Ai Cập triệu tập phiên họp khẩn cấp để làm sáng tỏ nguyên nhân mà theo mô tả của Bộ trưởng Bộ Y tế Ai Cập thì “đó là thảm họa lớn nhất trong lịch sử bóng đá đất nước”. Trong cuộc họp, dân biểu Saad el-Katatni thuộc tổ chức “Huynh đệ Hồi giáo” đặt câu hỏi liệu các lực lượng an ninh có phản ứng kịp thời vào lúc bắt đầu xảy ra sự cố hay không? Một dân biểu khác khẳng định: “Trái ngược với các thủ tục bình thường, việc kiểm tra an ninh không hề được thực hiện tại các lối vào SVĐ và điều đó đã dẫn tới sự xuất hiện của một số vũ khí như dao, kiếm. Lời khai của nhiều nhân chứng cho thấy, các nhân viên cảnh sát có mặt trên sân đã không hề có hành động gì nhằm ngăn chặn sự quá khích của cổ động viên đội Al-Masry ngay từ lúc nó mới bộc phát, cũng như khi thấy các cổ động viên đội Al-Ahly chạy ra cổng, cảnh sát vẫn không chịu mở cổng…”.
Với những người lãnh đạo đội Al-Masry, trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí thể thao Football, Karim Zekri, đội trưởng đội Al-Masry và Mohamed Zekri, là anh trai của Karim Zekri đồng thời cũng là cựu cầu thủ đội Al-Masry nói rằng cảnh sát, quân đội và những người ủng hộ chế độ của Tổng thống Mubarak đã kích động vụ thảm sát. Karim Zekri cho biết: “Có nhiều yếu tố chứng minh rằng nó đã được lên kế hoạch từ trước, bao gồm việc không kiểm tra an ninh, không kiểm tra vé vào SVĐ. Khi mới bắt đầu nổ ra bạo loạn, đèn pha trong sân tắt, các cổng ra vào bị khóa chặt cùng lúc sự xuất hiện của những tên côn đồ từ bên ngoài”. Manuel Jose, huấn luyện viên của đội Al-Ahly cũng cho biết toàn bộ vụ thảm sát đã được dàn dựng. Ông nói: “Ở cuối phía bắc của SVĐ có một biểu ngữ viết bằng tiếng Anh: “Tụi tao sẽ giết tất cả bọn mày”, một khẩu hiệu mà tôi nghĩ là nó hướng vào các phương tiện truyền thông quốc tế chứ không phải vào các cầu thủ hay các cổ động viên vì trước khi xảy ra cuộc cách mạng 25-1-2011, một số hãng thông tấn quốc tế đã có những bài bình luận, ngầm ý khuyến khích việc lật đổ Tổng thống Mubarak..”.
Vẫn theo Manuel Jose, huấn luyện viên của đội Al-Ahly, các cổng ở cuối phía nam, nơi những người hâm mộ đội Al-Ahly chạy đến để tránh bị giết, đã khóa chặt nên một số người chết vì ngạt thở do chen lấn. Ông nói tiếp: “Cảnh sát thay vì phải ra sân, ngăn chặn những kẻ quá khích thì họ chỉ đứng nhìn. Lúc vừa hết hiệp 1, tôi đã nghĩ đến việc đề nghị trọng tài hủy bỏ trận đấu vì tôi thấy một số cổ động viên đội Al-Masry có dấu hiệu manh động. Họ ném một cổ động viên đội Al-Ahly ra khỏi khán đài…”.
Tuy nhiên, cuối cùng huấn luyện viên Manuel Jose vẫn không dám đề nghị trọng tài cho hủy trận đấu vì ông sợ những kẻ quá khích ủng hộ đội Al-Masry sẽ cho rằng ông “cố tình ngăn cản chiến thắng của họ”, và điều đó sẽ dẫn đến bạo loạn mặc dù những chuyện xảy ra sau đó đã cho thấy ông không đề nghị, bạo loạn vẫn cứ diễn ra..
Những người bị thương được đưa lên máy bay để chở tới bệnh viện tại Cairo. |
VÀ NHỮNG HỆ QUẢ
Về phía các đội bóng đá, sau thảm họa trên sân Port Said, các trận đấu tiếp theo của Liên đoàn bóng đá Ai Cập trong mùa giải 2012 đã không thể tiếp tục vì lệnh cấm của chính phủ. Ngày 10-3-2012, Hiệp hội bóng đá Ai Cập thông báo hủy bỏ tất cả các trận đấu còn lại, kể cả đội tuyển quốc gia dự kiến sẽ thi đấu trong Thế vận hội và vòng loại 2012 ở Cúp bóng đá châu Phi năm 2013. Chủ tịch FIFA lúc ấy là ông Sepp Blatter tuyên bố: “Tôi rất sốc và rất buồn khi biết rằng một số lượng lớn những người ủng hộ bóng đá đã chết hoặc bị thương sau một trận đấu ở Port Said, Ai Cập. Tôi chân thành gửi lời chia buồn đến gia đình của những người đã thiệt mạn.. Đây là một ngày đen tối của bóng đá. Một tình huống thảm khốc như vậy là không thể tưởng tượng và không nên xảy ra”.
Ngày 9-3-2013, vì lý do an ninh, phiên tòa xét xử vụ thảm sát tại SVĐ Port Said được mở tại Học viện Cảnh sát ở thủ đô Cairo. 73 bị cáo, bao gồm 9 nhân viên cảnh sát và 2 quan chức của CLB Al-Masry cùng những cổ động viên quá khích bị buộc tội giết chết 74 khán giả, làm bị thương hơn 500 người khác. 21 bị cáo bị kết án tử hình, những người còn lại lĩnh án từ 5 năm đến 15 năm tù.
Do bị kích động, gia đình bị cáo và các cổ động viên đội Al-Masry tụ tập trước cổng nhà tù la hét, phản đối. Một nhóm khác phong tỏa con đường chính dẫn đến trụ sở làm việc của chính quyền thành phố Port Said còn nhóm thứ ba chặn lối ra vào một tổ hợp công nghiệp dệt may lớn với khoảng 20.000 công nhân. Đụng độ đã nổ ra giữa những người biểu tình ủng hộ các bị cáo và lực lượng an ninh, dẫn đến 2 cảnh sát và 40 người biểu tình thiệt mạng, hơn 250 người khác bị thương. Các nhà hoạt động chính trị chống chính phủ cáo buộc Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập và tàn dư của chế độ Mubarak vẫn nắm giữ các vị trí quyền lực, và điều đó khẳng định rằng bản chất của vụ thảm sát là hành động “phản cách mạng”. Nó xảy ra vào thời điểm khi mà chính phủ quân sự lâm thời Ai Cập thúc giục công dân ủng hộ việc chính phủ được phép mở rộng quyền lực trong những trường hợp khẩn cấp
Sau phiên tòa, tất cả các bị cáo đều kháng án. Trải qua các phiên xét xử năm 2014, 2015, đến ngày 20-2-2017, Tòa án tối cao Ai Cập sửa lại một phần bản án, tuyên phạt tử hình 10 người, 35 người lĩnh án tù từ 5 năm đến 15 năm, trong đó có 2 cảnh sát và 1 quan chức của CLB Al-Mesry. 28 bị cáo còn lại được tha bổng, gồm Mostafa Razaz, cựu trưởng bộ phận điều tra Sở Cảnh sát thành phố Port Said; Abdel-Aziz Sami, cựu lãnh đạo Lực lượng an ninh trung ương thuộc khu vực Kênh đào Suez; Bahy El-Din, cựu giám đốc an ninh quốc gia thành phố Port Said và 7 cảnh sát viên cùng 4 trợ lý cho các quan chức.
Bên cạnh đó, tòa còn tha bổng 2 quan chức của CLB Al-Masry, cũng như tha bổng thiếu tướng Mohsen Sheta, Giám đốc điều hành CLB Al-Masry tại thời điểm diễn ra vụ thảm sát, và Mohamed El-Desouki, cựu Giám đốc an ninh CLB Al-Masry.
Vài ngày sau khi xảy ra thảm họa, một trong những hấn luyện viên của đội Al-Ahly là Aboutrika quyết định nghỉ hưu cùng với các ngôi sao bóng đá hàng đầu Ai Cập là Mohamed Barakat và Emad Moteab. Riêng huấn luyện viên trưởng của đội Al-Ahly là Manuel Jose chọn con đường rời khỏi Ai Cập và không bao giờ còn dính líu gì đến bóng đá nữa…
VŨ CAO
(Theo Football Magazine)
Thảm họa kinh hoàng trên sân vận động Port Said - Ai Cập - Bài 1: Xử nhau bằng dao, kiếm
Thảm họa kinh hoàng trên sân vận động Port Said - Ai Cập - Bài cuối: Trách nhiệm thuộc về ai?