.

Cơ hội để G7 biến cam kết thành sức mạnh hành động

Cập nhật: 16:41, 07/06/2018 (GMT+7)

* Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị và thăm Canada.

Kể từ khi được thành lập đến nay, Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới G7 (Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Đức, Italy, Nhật Bản) luôn thể hiện rõ vai trò dẫn đầu trong tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề quan trọng của thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Canada Justin Trudeau.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Canada Justin Trudeau.

Các hội nghị thượng đỉnh thường niên luôn có một ý nghĩa quan trọng, nơi lãnh đạo các nước G7 thể hiện sự gắn kết để tìm hướng giải quyết những vấn đề chính trị và kinh tế quan trọng, đặt nền tảng cho việc định hình các bước đi tiếp theo của G7 và thế giới. Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay càng có ý nghĩa quan trọng hơn trong bối cảnh thế giới đang có những biến chuyển nhanh chóng và bất ngờ trên hầu hết các lĩnh vực.

Ngoài ra, để có được tiếng nói và bức tranh toàn cảnh về tất cả các vấn đề chính của thế giới, hằng năm, các thành viên G7 mời một số các quốc gia đại diện từ các châu lục tới tham dự hội nghị thượng định mở rộng trong vai trò khách mời. Năm nay, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc được Thủ tướng nước chủ nhà Canada Justin Trudeau mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, với chủ đề về biến đổi khí hậu, đại dương và năng lượng sạch. Lần thứ hai được mời tham dự cho thấy rõ vai trò và vị thế ngày càng gia tăng của Việt Nam trên trường quốc tế. Đặc biệt, những nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó tình trạng biến đổi khí hậu, hỗ trợ phát triển nghề cá và bảo vệ môi trường biển trong thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Điều đó khiến cộng đồng quốc tế càng thêm tin cậy và ghi nhận vai trò của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế. Đây cũng là cơ hội thể hiện trách nhiệm và quyết tâm của Việt Nam phối hợp cùng các nước giải quyết những thách thức chung toàn cầu. 

Theo kế hoạch, Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay - năm thứ 6 Canada làm Chủ tịch - diễn ra trong hai ngày 8 và 9-6 tại La Malbaie, thuộc vùng Charlevoix, tỉnh Quebec. Nước chủ nhà hy vọng đây sẽ là cơ hội để các nhà lãnh đạo, các bộ trưởng và các nhà làm chính sách của 7 nước cùng nhau tìm kiếm đồng thuận trong ứng phó với những thách thức chung toàn cầu, định hình xu hướng phát triển mới của thế giới và đạt được tiến bộ thực sự cho các mục tiêu đề ra. Các mục tiêu đó bao gồm: đầu tư vào những lĩnh vực tăng trưởng có lợi; chuẩn bị cho việc làm trong tương lai; tăng cường bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; cùng hành động trong các vấn đề biến đổi khí hậu, đại dương, năng lượng sạch; và xây dựng một thế giới hòa bình, an toàn hơn.

Trong khi đó, Hội nghị G7 mở rộng năm nay tập trung vào các vấn đề liên quan hỗ trợ các cộng đồng ven biển nâng cao khả năng ứng phó, phát triển nghề cá, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển, xử lý rác thải nhựa trên đại dương và bảo đảm an ninh năng lượng. Đây là những vấn đề nóng mang tính cấp thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu  cũng như ô nhiễm môi trường biển đang ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống con người, trước hết là các cộng đồng ven biển.

Riêng với nước chủ nhà Canada, một trong các nội dung ưu tiên chính trong năm Chủ tịch G7 là thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Chủ đề này đã được Canada lồng ghép toàn diện vào tất cả các nội dung thảo luận xuyên suốt trong cả năm 2018 để đảm bảo sẽ đạt được những tiến bộ thực chất và hiệu quả, làm nền tảng cho các hoạt động tiếp theo của G7 trong tương lai. 

Để chuẩn bị và đảm bảo thành công cho Hội nghị thượng đỉnh G7, từ đầu năm đến nay, Canada đã tổ chức hàng loạt hội nghị cấp bộ trưởng về kinh tế, tài chính, an ninh và các hội nghị về thanh niên, phụ nữ, tổ chức xã hội dân sự… Tất cả các chủ đề được thảo luận đều là những vấn đề nóng nhất của thế giới, phản ánh đúng thực tại cũng như xu hướng phát triển trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội và chính trị quốc tế, từ những “hồ sơ” thuộc diện gai góc nhất như vấn đề hạt nhân Triều Tiên, hạt nhân Iran, tấn công mạng, căng thẳng thương mại quốc tế, quan hệ với Nga, cuộc xung đột tại Ukraine, vấn đề người tị nạn, tới các điểm nóng ở Trung Đông như Iraq, Syria, nguy cơ tại các vùng biển tranh chấp quốc tế, ứng phó với biến đổi khí hậu, ngăn chặn rác thải đại dương và khai thác bền vững các nguồn lợi biển…

Tất nhiên, trong một thế giới luôn biến động không ngừng với những toan tính chiến lược đan xen đa tầng nấc của các nước cả ở trong và ngoài G7, tất cả các nội dung được thảo luận đều thuộc diện “khó nhằn”, nhất là những vấn đề gây tranh cãi thời gian gần đây như thuế suất mới của Mỹ đánh vào mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu mà tất cả 6 nước còn lại trong G7 đều phải hứng chịu, hay việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và nối lại trừng phạt Tehran khiến hàng loạt công ty châu Âu làm ăn với nước cộng hòa Hồi giáo bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, với cơ chế làm việc quyết đoán nhưng không kém phần cởi mở và thẳng thắn, các nước G7 hy vọng sẽ tìm được tiếng nói chung và giải pháp cho nhiều vấn đề lớn của thế giới. 

VŨ HÀ

.
.
.