.

Taliban và IS kiếm tiền từ đâu?

Cập nhật: 18:16, 06/06/2018 (GMT+7)

Phiến quân Taliban và chiến binh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) kiếm được hàng trăm triệu USD nhờ kiểm soát nhiều khu vực mỏ béo bở và xuất khẩu khoáng sản - theo báo cáo mới nhất từ tổ chức phi chính phủ giám sát xung đột Global Witness (GW) đặt trụ sở tại Anh.

Một nhà máy xử lý talc gần Nangarhar ở Afghanistan.
Một nhà máy xử lý talc gần Nangarhar ở Afghanistan.

Báo cáo tựa đề: “Chúng ta quyết khai thác các mỏ bằng bất cứ giá nào” - mô tả phương thức kinh doanh bột talc (thành phần chính trong phấn rôm trẻ em), đá hoa và ngọc quý lapis lazuli mang về khoản thu nhập đáng kể cho các nhóm phiến quân để tiến hành hàng loạt vụ khủng bố trên thế giới.

Trong những năm gần đây, nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Afghanistan góp phần củng cố khả năng tài chính cho Taliban và IS tăng cường bạo lực ở nước này cũng như nhiều nơi khác trên thế giới. Từ cuối năm 2017, hàng chục ngàn người phải rời bỏ nhà cửa do xung đột đẫm máu giữa Taliban và các nhóm IS ở tỉnh Nangarhar, thuộc miền Đông Afghanistan nhằm giành quyền kiểm soát các khu mỏ béo bở.

Nick Donovan, Giám đốc chiến dịch của Global Witness, báo cáo: “Theo một số nguồn thông tin mà chúng tôi có được, xung đột bạo lực giữa Taliban và IS ở Nangarhar liên quan chủ yếu đến quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên khoáng sản. Nếu biết được nguồn thu nhập đáng kể cho phiến quân đến từ khai thác khoáng sản thì chúng ta sẽ không thấy bất ngờ trước mọi nỗ lực giành quyền kiểm soát như thế. Trong khi đó, hoạt động khai khoáng bất hợp pháp của phiến quân gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho chính quyền Afghanistan. Việc kiểm soát các mỏ khoáng sản là vấn đề an ninh quốc gia cho Afghanistan cũng như cho mọi quốc gia liên quan trong xung đột bạo lực”.

Theo báo cáo, người tiêu dùng ở Mỹ cũng như châu Âu và châu Á đang vô tình giúp củng cố nguồn tài chính cho Taliban và IS. Bột talc khai thác ở Afghanistan và xuất khẩu đến Pakistan rồi từ đó đến Mỹ. Theo GW, Pakistan là nguồn cung cấp talc lớn nhất cho Mỹ. Bột talc được tìm thấy trong phấn rôm trẻ em cũng như nhiều sản phẩm tiêu dùng khác bao gồm: Đồ gốm, giấy, đồ nhựa, cao su và các sản phẩm diệt côn trùng.

Một thủ lĩnh Taliban phát ngôn với giới chức GW: “Cuộc chiến giành quyền kiểm soát các khu mỏ chính là cuộc chiến giành lợi nhuận. Nếu không có nguồn thu nhập từ khai mỏ, chúng tôi sẽ thất bại”. Một báo cáo năm 2013 của Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh rằng việc kiểm soát các khu mỏ ở Afghanistan chính là căn nguyên xung đột bạo lực tại quốc gia này.

Nguồn tài nguyên khoáng sản quý giá của Afghanistan gây thèm muốn cho các nhóm chiến binh cũng như các cường quốc đầu tư công sức vào xung đột ở nước này. Năm 2017, tờ New York Times của Mỹ đưa tin nhóm cố vấn của Tổng thống Donald Trump khuyên ông cần tăng cường sự hiện diện quân sự tại Afghanistan vì giá trị của nguồn tài nguyên khoáng sản nước này.

Theo ước tính của quan chức Mỹ hồi năm 2010, các nguồn tài nguyên của Afghanistan trị giá tổng cộng đến gần 1 ngàn tỷ USD. Nangarhar có trữ lượng talc lớn và còn sở hữu nhiều khoáng sản khác như: Chromite và cẩm thạch. Lực lượng an ninh tại Afghanistan từ lâu đã lo ngại về tình trạng buôn bán không kiểm soát talc và chromite tại Nangarhar.

Quân đội Mỹ ước tính hiện nay tại Nangarhar có khoảng 750 đến 2.000 phiến quân IS. Người phát ngôn Bộ Khai khoáng Afghanistan khẳng định đã thành lập một hội đồng đặc biệt để phối hợp cùng các tổ chức tình báo và an ninh nhằm tìm phương hướng giải quyết tình trạng hiện nay ở Nangarhar.

Giới chức GW tuyến bố việc vận chuyển khoáng sản đến Pakistan “có mối liên quan chặt chẽ đến giới chức tham nhũng trong chính quyền Afghanistan”. Ngoài “kim cương máu” ở châu Phi, talc và chromite ở Afghanistan cũng được mô tả là “khoáng sản xung đột”.

DI AN
(CAND)

.
.
.