Thảm họa kinh hoàng trên sân vận động Port Said - Ai Cập - Bài 1: Xử nhau bằng dao, kiếm
Với khoảng 3,5 tỷ người hâm mộ, chiếm hơn một nửa dân số toàn cầu, bóng đá được coi là môn thể thao phổ biến nhất. Tuy nhiên, trong số 35 thảm họa thể thao đã từng xảy ra trong lịch sử thì bóng đá đứng hàng đầu, chiếm tỷ lệ 63% bởi lẽ sự quá khích của một số cổ động viên luôn là mồi lửa châm ngòi cho các cuộc bạo loạn… Thảm họa ở SVĐ Pord Said - Ai Cập là một trong số đó.
TRẬN BÓNG THẢM HỌA
Một nạn nhân bị thương được lực lượng chức năng hỗ trợ rời sân. |
5 giờ chiều 1-2-2012 tại SVĐ Port Said, Ai Cập, tiếng còi của Zamaley, trọng tài chính trong trận đấu giành cúp vô địch Liên đoàn bóng đá Ai Cập diễn ra giữa 2 đội Al-Masry và Al-Ahly vang lên. Trên các khán đài, gần 45.000 khán giả theo dõi trực tiếp trận đấu.
Gần giữa hiệp 1, đội Al-Masry ghi bàn đầu tiên. Ngay lập tức, một số cổ động viên của đội này tràn ra sân, reo hò, nhảy múa khiến trọng tài phải cho dừng trận đấu 30 phút. Manuel el-Sisi, một khán giả kể lại với kênh truyền hình TV5, Ai Cập: “Có vẻ như cảnh sát không làm gì để ngăn chặn tình trạng này. Họ chỉ thổi còi rồi đứng nhìn!”. Yasser Ahmed, một khán giả khác cho biết thêm: “Phải mất hơn nửa tiếng, trận đấu mới lại được tiếp tục trong tiếng la hét và tiếng trống của cổ động viên đội Al-Masry. Không khí tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm nhưng hầu như những người có trách nhiệm chẳng ai nhận thấy”.
Vài phút cuối của hiệp 1, đội Al-Ahly ghi bàn gỡ hòa. Không giấu nổi sự vui mừng, cổ động viên của Al-Ahly kẻ thổi kèn, người đánh trống, thậm chí nhiều người còn đứng lên ghế, múa may, nhảy nhót trong lúc cổ động viên của đội Al-Masry ném vỏ chai nước giải khát và pháo sáng vào các cầu thủ đội Al-Ahly. Lại phải mất thêm 15 phút nữa, trật tự mới được vãn hồi.
Kết thúc trận đấu, đội Al-Masry thắng đội Al-Ahly với tỉ số 3-1. Phấn khích, hơn 5.000 cổ động viên đội Al-Masry tràn xuống sân. Không những thế, một số kẻ còn quay sang tấn công cổ động viên Al-Ahly bằng dao, kiếm, pháo sáng, chai thủy tinh, gạch đá… Hannah Kamak, một khán giả nói với kênh truyền hình TV5: “Tôi chẳng ủng hộ đội nào hết. Tôi chỉ đi xem thôi nhưng tôi vẫn bị đánh. Một kẻ nào đó vừa la hét, vừa phang chai Pepsi tới tấp vào người tôi. Chỉ đến khi tôi chắp tay lạy hắn, rằng tôi không phải là cổ động viên của đội Al-Ahly thì hắn mới dừng lại”.
Nỗi đau của thân nhân các nạn nhân. |
Sợ bị đánh oan, hàng ngàn người chạy ra cổng, sau lưng là cổ động viên của đội Al-Masry tay dao, tay kiếm đuổi theo nhưng cảnh sát lại không mở cổng. Hậu quả là một trận chém giết kinh hoàng diễn ra. 74 người chết ngay tại chỗ, hơn 500 người bị thương - trong đó 1/3 bị thương rất nặng. Muhammad Ali Pasha, một khán giả may mắn thoát chết kể: “Tôi chạy theo đám đông được một đoạn thì nhìn thấy bên trái là dãy phòng thay quần áo của cảnh sát. Lập tức tôi rẽ vào đó. May mắn là cửa phòng không khóa nên tôi trốn được. Lúc trật tự đã lập lại, tôi bước ra, dưới chân tôi toàn là máu…”.
Trong số những người chết, ngoài việc bị giết bằng dao và kiếm còn có một số người bị ném từ khán đài xuống đất, hoặc chết vì ngạt thở, chảy máu nội tạng do bị giẫm đạp. Tình hình hỗn loạn đến mức quân đội Ai Cập phải dùng trực thăng, hạ cánh xuống sân vận động Port Said để cứu các cầu thủ của hai bên. Huấn luyện viên trưởng của đội Al-Ahly là ông Manuel Jose cho biết: “Tôi bị người hâm mộ Al-Masry đấm đá dữ dội khi cố gắng chạy về phòng thay đồ của mình”. Mohamed Aboutrika - cũng là huấn luyên viên của đội Al-Ahly nói thêm: “Tất cả các cổ động viên Al-Ahly chạy vào các phòng thay đồ của cầu thủ đều bị giết chết. Tôi không hiểu tại sao họ lại hành xử như vậy vì đội mà họ ủng hộ, đã thắng đội chúng tôi rồi kia mà!”.
VÌ SAO BẠO LOẠN?
Phải mất hơn 2 tiếng, tình hình an ninh trên sân Port Said mới được lập lại. Các cuốn băng video ghi hình trận đấu cho thấy cảnh sát một mặt không thể ngăn cản những kẻ quá khích, mặt khác họ lại làm ngơ cho những kẻ này tự do hành động. Nhiều cáo buộc được gửi đến các hãng thông tấn trong và ngoài nước, tố cáo cảnh sát đã mở các dãy hàng rào ngăn cách giữa cổ động viên đội Al-Masry và đội Al-Ahly ngay sau khi tiếng còi kết thúc trận đấu vừa vang lên. Al-Azhar, một nhân chứng cho biết nếu như lúc đó, cảnh sát vẫn giữ nguyên hàng rào, cổ động viên của đội nào ra về theo đường của đội ấy thì có lẽ thảm họa đã không xảy ra. Một nhân chứng khác nói rất nhiều cổ động viên giấu dao, kiếm, pháo sáng trong người khi vào sân nhưng cảnh sát không buồn lục soát. Nhân chứng Sanafir nói với kênh truyền hình TV5: “Bằng mắt thường cũng nhìn thấy chuôi dao, chuôi kiếm lộ ra trong lớp áo của họ…”.
Các nạn nhân nằm la liệt trên SVĐ Port Said. |
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cuộc bạo loạn Port Said, trong đó có nguyên nhân được cho là để trả thù phong trào Ultras Ahlawy, thành lập năm 2007, bao gồm các sinh viên đại học, công nhân và thanh thiếu niên thuộc nhiều thành phần xã hội ở Ai Cập. Ultras Ahlawy sáng tác và sử dụng một số bài hát trong các trận đấu bóng đá, nổi tiếng nhất là bài “Chúng ta là Ai Cập” vì nhiều thành viên của Ultras Ahlawy là cầu thủ bóng đá hoặc là cổ động viên của đội Al Ahly.
Tháng 7-2010, các thành viên của Ultras Ahlawy đụng độ dữ dội với cảnh sát khi họ kêu gọi người hâm mộ đội Al Masry ngừng tẩy chay các trận đấu có sự tham dự của đội Al Ahly. Ngày 24-1-2011, đêm trước khi bắt đầu cuộc cách mạng 25-1 ở Ai Cập, lật đổ Tổng thống Mubarak, Ultras Ahlawy tuyên bố họ sẽ không tham gia biểu tình chống chính phủ vào ngày hôm sau nhưng mỗi thành viên trong nhóm đều có quyền tự do của mình - nghĩa là ai muốn biểu tình thì tùy ý!
Ngày 2-2-2011, gần 1.000 người ủng hộ Tổng thống Mubarak kéo đến quảng trường Tahrir nhằm bày tỏ lòng trung thành đối với ông này nhưng thời điểm đó, đã có hàng trăm thành viên của nhóm Ultras Ahlawy chiếm giữ quảng trường, kêu gọi một cuộc cách mạng buộc ông Mubarak phải từ chức. Đụng độ đã xảy ra giữa hai phe nhóm, kéo dài từ 2 giờ chiều 2-2 đến 4 giờ sáng ngày 3-2 với 3 người chết cùng hàng trăm người bị thương. Kết quả là cũng trong ngày 3-2, chế độ Mubarak tan rã.
Tuy nhiên, mối thâm thù của những người ủng hộ ông Mubarak - đồng thời cũng là cổ động viên của đội Al-Masry thì vẫn còn đó, và trận tranh cúp vô địch Liên đoàn bóng đá Ai Cập giữa đội Al-Masry và đội Al Ahly ngày 1-2-2012 trên sân Port Said là cơ hội để họ trả thù…
VŨ CAO
(Theo Football Magazine)
Thảm họa kinh hoàng trên sân vận động Port Said - Ai Cập - Bài 1: Xử nhau bằng dao, kiếm
Thảm họa kinh hoàng trên sân vận động Port Said - Ai Cập - Bài cuối: Trách nhiệm thuộc về ai?