.

Lịch sử thăng trầm của Sentosa

Cập nhật: 18:06, 10/06/2018 (GMT+7)

Hòn đảo Sentosa của Singapore được chọn làm nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều ngày 12-6. Ít ai biết hòn đảo nghỉ dưỡng sang trọng ngày nay từng có một lịch sử đen tối.

Toàn cảnh Sentosa nhìn từ trên không.
Toàn cảnh Sentosa nhìn từ trên không.

QUÁ KHỨ ĐEN TỐI

Vẻ ngoài xa hoa với những khách sạn, sòng bạc, sân đánh golf sang trọng, nhưng trước đây, Sentosa là nơi rất nhiều người gốc Hoa ở Singapore bị binh sĩ Nhật hành quyết thời chiến tranh thế giới thứ hai. Sentosa thời đó có tên Pulau Belakang Mati (Hòn đảo tử thần phía sau).

Hồi thế kỷ 19, hòn đảo Sentosa có vị trí quan trọng vì nó bảo vệ lối vào vịnh Keppel. Đầu năm 1827, Singapore dự định củng cố hòn đảo để thực hiện một phần kế hoạch quốc phòng. Tuy nhiên, mãi tới những năm 1880 mới có vài pháo đài được xây dựng khi xuất hiện lo ngại kẻ thù có thể tấn công các kho than trên đảo. Các pháo đài được xây dựng trên đảo là pháo đài Siloso, Serapong, Connaught và Mount Imbiah Battery.

Trong chiến tranh thế giới thứ hai, đảo Pulau Belakang Mati là pháo đài quân sự của người Anh. Người Anh đã dựng các pháo đài dùng cho các khẩu pháo cỡ nòng lớn đặt tại nhiều điểm dọc hòn đảo, liên kết với phía Nam, giáp mặt với biển với hy vọng có thể biết trước cuộc tấn công của quân Nhật từ phía biển.

Quân Nhật xâm lược và chiếm Singapore từ phía Bắc sau khi đã chiếm Malaya (ngày nay là Tây Malaysia hoặc bán đảo Malaysia). Sau khi lực lượng Đồng minh đầu hàng ngày 15-1-1942, hòn đảo này trở thành một trại tù binh Nhật chuyên giam giữ tù binh Australia và Anh. Trong quá trình Nhật Bản chiếm đóng, người Hoa bị nghi ngờ liên quan tới các hoạt động chống Nhật đều bị giết hại dã man. Bãi biển tại Pulau Belakang Mati là một trong những địa điểm giết chóc của Nhật Bản.

Sau khi quân Nhật đầu hàng và người Anh quay lại Singapore, hòn đảo này trở thành căn cứ của Trung đoàn Pháo binh Hoàng gia Singapore số 1 năm 1947. Nam giới địa phương nhập ngũ ở Singapore được gửi tới đảo Pulau Belakang Mati để huấn luyện quân sự cơ bản, rồi được điều tới các đơn vị khác trong Quân đội Anh ở Singapore. 

10 năm sau, Trung đoàn Pháo binh Hoàng gia Singapore số 1 bị giải tán và các khẩu pháo của trung đoàn bị dỡ bỏ. Đơn vị pháo binh bờ biển được thay thế bằng các đơn vị bộ binh Gurkha. Đầu tiên là trung đoàn súng trường Gurkha 2/7 thuộc quyền của công tước xứ Edinburgh, sau đó là trung đoàn súng trường Gurkha 2/10 thuộc sở hữu của công chúa Mary.

Pháo đài Siloso trở thành một địa điểm tôn giáo, còn tại Mount Imbiah, một nhà thờ Tin lành được xây dựng. Pháo đài Counnaught bị bỏ hoang. Pháo đài Serapong trở thành một trạm nghe nhìn và thông tin liên lạc.

Đầu những năm 1960, trong giai đoạn đối đầu giữa Indonesia và Malaysia, đơn vị 2/10 đã chiếm đóng đảo Pulau Belakang Mati. Mặc dù Indonesia ở khoảng cách gần nhưng nước này không dám làm gì mạnh để chống Singapore. 

Khi cuộc đối đầu Indonesia và Malaysia kết thúc năm 1966, các tiểu đoàn Gurkha rút khỏi Pulau Belakang Mati, người Anh trao trả đảo cho lực lượng vũ trang Singapore thuộc Chính phủ Singapore mới giành độc lập năm 1967. 

Năm 1967, Pulau Belakang Mati trở thành căn cứ của Lực lượng Tình nguyện Hải quân Singapore sau khi lực lượng này chuyển khỏi căn cứ cũ ở Telok Ayer. Trường huấn luyện hải quân cũng được thành lập tại đảo này. Đây là trung tâm y tế hải quân đầu tiên và trở thành một phần của lực lượng Hải quân Singapore.

SENTOSA HIỆN ĐẠI

Những năm 1970, Chính phủ Singapore quyết định phát triển hòn đảo thành một khu nghỉ dưỡng cho du khách địa phương và quốc tế. Nhiều thế hệ người Malay và người Hoa đã sống yên bình trên đảo bị tái định cư tới những tòa chung cư chọc trời ở Singapore. Năm 1972, Pulau Belakang Mati có tên mới là Sentosa, có nghĩa là hòa bình và yên tĩnh trong tiếng Malay. Tên gọi này là theo một đề xuất của người dân. Tập đoàn Phát triển Sentosa được thành lập ngày 1-9-1972 để giám sát quá trình phát triển của Sentosa. Từ đó, khoảng 420 triệu USD vốn tư nhân và 550 triệu USD vốn nhà nước đã được đầu tư để phát triển đảo.

Năm 1974, hệ thống cáp treo Singapore được xây dựng, nối đảo Sentosa với núi Faber. Cuối cùng, năm 1975, Hải quân Singapore đã chuyển khỏi đảo Sentosa để tới đảo Pulau Brani. Sau đó, một loạt điểm hút khách du lịch đã được mở cửa như pháo đài Siloso, bảo tàng sáp Surrender Chamber, khu vực trình diễn nhạc nước và thủy cung. 

Năm 1992, cây cầu đắp nổi nối đất liền Singapore và đảo Sentosa khai trương. Hệ thống đường xe lửa một ray Sentosa mở cửa năm 1982 để đưa du khách qua 7 ga trên phía tây của đảo. Ngày 16-3-2005, dịch vụ tàu hỏa một ray chấm dứt để nhường chỗ cho tàu cao tốc Sentosa. Dịch vụ này bắt đầu hoạt động ngày 15-1-2007. 

Năm 2009, một cây cầu mang tên Sentosa Boardwalk dành cho người đi bộ được xây dựng. Cây cầu 70 triệu USD trên Sentosa này đi qua các vườn thực vật theo chủ đề, cửa hàng và nhà hàng ăn cuối. Lối đi bộ có mái che giúp du khách có thể đi bộ trong ngày mưa. Lối đi bộ này khai trương ngày 29-1-2011 giúp du khách có thêm lựa chọn di chuyển tới Sentosa. 

Dù có rất nhiều khu nghỉ dưỡng và các công trình nhưng đảo Sentosa vẫn còn nhiều khu vực hoang dã. Bao phủ khoảng 70% diện tích đảo là các khu rừng mưa thứ sinh. Nơi đây có nhiều động vật sinh sống như thằn lằn, công, khỉ. Công viên bươm bướm và vương quốc côn trùng trên đảo có hơn 15.000 loài bướm sống và hơn 3.000 loài côn trùng.

Sentosa sắp chứng kiến một sự kiện đáng nhớ nữa vào ngày 12-6 khi Tổng thống Mỹ Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau tại đây. Dù kết quả của hội nghị này có như thế nào, thì Sentosa vẫn sẽ ghi dấu thêm một mốc lịch sử trong chiều dài lịch sử vốn đã quá thăng trầm của mình.

THÙY DƯƠNG

.
.
.