.

Bí ẩn của cơ quan tình báo Nhật Bản

Cập nhật: 15:51, 08/06/2018 (GMT+7)

Trong nhiều năm qua, công chúng Nhật Bản cũng như thế giới ít được nghe nói đến sự tồn tại cũng như hoạt động của các cơ quan tình báo Nhật Bản. Mới đây, Đài NHK của Nhật Bản đã phối hợp với Tạp chí The Intercept thực hiện một phóng sự điều tra, và lần đầu tiên hé lộ những thông tin về hoạt động của cộng đồng tình báo Nhật Bản.

2 trong số các quả bóng gôn chứa ăng-ten thu phát sóng của DFS ở Tachiarai.
2 trong số các quả bóng gôn chứa ăng-ten thu phát sóng của DFS ở Tachiarai.

Hàng tuần, tại quận Ichigaya của Tokyo, một tài xế lái chiếc ô tô 4 chỗ màu đen đến đậu một cách khiêm tốn bên ngoài một tòa nhà màu xám. Chiếc ô tô đón một vị khách đặc biệt trước khi khởi hành đi về phía Nam trong hành trình ngắn chỉ 10 phút. Vị khách đó mang một phong bì dày cộp chứa các báo cáo tình báo tối mật để chuyển cho các cố vấn thân cận nhất của Thủ tướng Nhật Bản.

Được biết đến với bí danh là “C1”, tòa nhà màu xám đó là một phần thuộc khu nhà phức hợp trụ sở Bộ Quốc phòng Nhật Bản, nhưng nó không phải là tòa nhà bình thường, mà là tổng hành dinh của cơ quan tình báo tuyệt mật của Nhật Bản, có tên gọi là Ban Giám đốc Tình báo tín hiệu (gọi tắt là DFS). DFS, tiếng Nhật gọi là “Dempa-Bu”, nghĩa là “đoạn sóng điện từ”, có lịch sử hình thành và hoạt động từ rất lâu, khoảng thập niên 50 của thế kỷ XX, với vai trò nghe lén truyền thông.

Cho đến nay, hoạt động của DFS luôn được giữ bí mật tuyệt đối, không một thông tin nào được phép tiết lộ ra bên ngoài, kể cả vị trí đặt tổng hành dinh. Hầu hết quan chức Nhật Bản đều không biết gì về sự tồn tại cũng như hoạt động của cơ quan này, ngoại trừ một số quan chức thân cận nhất của Thủ tướng có trách nhiệm tổng hợp thông tin và báo cáo cho Thủ tướng. Hoạt động của DFS không chịu bất kỳ sự giám sát độc lập nào cả, và chỉ phải tuân theo khung quy định không nhiều ràng buộc.

Theo một số quan chức DFS, cơ quan này phân chia thành 11 bộ phận phòng ban khác nhau, mỗi phòng ban chú trọng thực hiện nhiệm vụ riêng, như phân tích thông tin, an toàn và an ninh công cộng, bộ phận mật mã và giải mã. DFS có khoảng 1.700 nhân viên, kém xa so với NSA của Mỹ (30.000 người).

Tuy cùng chung cơ quan nhưng các phòng ban lại tách riêng, hoạt động biệt lập với nhau, rất ít khi có sự giao tiếp, phối hợp trong công tác. Mỗi bộ phận trong tòa nhà C1 đều có một tủ khóa riêng đặt trong các phòng làm việc, và chỉ một nhóm người nhất định có quy chế an ninh cao, giữ mật mã và nhận dạng để mở khóa mới được mở khóa các ngăn tủ này. DFS hoạt động như một cánh tay lớn nhất của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Nhật Bản - cơ quan có chức năng phân tích hình ảnh từ vệ tinh.

Để thực hiện nhiệm vụ nghe lén với khối lượng lớn, DFS đã tự trang bị hệ thống nghe lén nổi tiếng XKEYSCORE, có thể thu thập dữ liệu về email, chat trực tuyến, lịch sử truy cập internet và thông tin về hoạt động trên mạng xã hội của từng cá nhân.

Atsushi Miyata, từng làm việc tại DFS và Bộ Quốc phòng Nhật Bản trong giai đoạn 1987-2005, thừa nhận Dempa-Bu không chỉ do thám, thu thập dữ liệu người dân trong nước mà còn do thám cả một số quốc gia khu vực xung quanh. Trong hoạt động do thám, DFS tỏ ra là cơ quan tình báo quyết tâm giữ bí mật cao nhất, rất hạn chế chia sẻ thông tin. Tuy vậy, DFS vẫn là đối tác hợp tác rất chặt chẽ với NSA của Mỹ khi theo dõi truyền thông của các quốc gia khắp khu vực châu Á.

DFS có 6 cơ sở do thám thực hiện nhiệm vụ nghe lén điện thoại, đọc trộm email và theo dõi các hoạt động truyền thông khác suốt 24/24 giờ mỗi ngày. Một trong những cơ sở đó đặt tại một căn cứ quân sự nằm giữa 2 thị trấn Tachiarai và Chikuzen, cách Tokyo khoảng 1.000km về phía Tây Nam. Đây là một trong những đầu mối tình báo quan trọng nhất của Nhật Bản. Nó bao gồm hàng chục ăng-ten thu phát sóng tín hiệu vô tuyến đặt bên trong những quả bóng gôn khổng lồ.

Những quả bóng gôn này đã gây nên nỗi lo lắng thường trực cho người dân địa phương bởi cường độ sóng mạnh có thể gây nhiễu sóng truyền hình cũng như làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Rốt cuộc, mỗi năm Chính phủ Nhật Bản đành phải chi trả cho Hội đồng thị trấn Chikuzen một khoản tiền tương đương 100.000 USD gọi là bồi thường cho những tổn hại mà căn cứ tình báo ở Tachirai gây ra.

Tại căn cứ tình báo ở Tachiarai, hệ thống ăng-ten có khả năng kết nối với hơn 200 vệ tinh của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có khoảng 30 chiếc là của Trung Quốc, và dĩ nhiên là có thể thu thập thông tin, dữ liệu đi qua các vệ tinh này.

Trong hoạt động thu thập dữ liệu với khối lượng tràn ngập hiện nay, DFS nhận được sự hỗ trợ từ NSA của Mỹ và của cả một cơ quan bí mật khác của Nhật Bản có mật danh là J6, đơn vị kỹ thuật trực thuộc Bộ Quốc phòng. Một lần nữa, việc giữ bí mật công tác là tiêu chí hàng đầu trong hoạt động của các cơ quan an ninh Nhật Bản, vì vậy tuy hợp tác nhưng DFS cũng hoàn toàn không biết gì về chức năng, nhiệm vụ của J6.

AN TÔN
(CAND)

.
.
.