.

10 đại dịch nguy hiểm giết chết hàng chục triệu người - Kỳ 2

Cập nhật: 18:36, 29/05/2018 (GMT+7)

Những đại dịch lớn nhất, tồi tệ nhất từng xảy ra trong lịch sử loài người. Chúng đã cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người.

ĐẬU MÙA: Đậu mùa xuất hiện vào khoảng 10.000 năm trước Công nguyên và trên xác ước của Pharaon Ramses V thời Ai Cập cổ đại đã xuất hiện những vết mụn mủ của căn bệnh này. Vào thế kỷ 18, đại dịch đậu mùa do virus variola gây ra đã quét sạch nhiều thành thị, làng mạc ở châu Âu, khiến khoảng 400.000 người thiệt mạng mỗi năm, trong đó có 5 vị quốc vương.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong thế kỷ 20, bệnh đậu mùa đã khiến 300-500 triệu người chết. Trong đợt đại dịch bùng phát vào năm 1967, có khoảng 15 triệu người đã nhiễm bệnh và 2 triệu người tử vong.

Người mắc bệnh đậu mùa có các triệu chứng như đau nhức, sốt cao và xuất hiện những nốt mụn nhọt lan dần khắp cơ thể, sau đó bệnh nhân bị nhiễm độc huyết trầm trọng dẫn đến tử vong.

Mặc dù vắc xin phòng chống bệnh đậu mùa được tạo ra vào năm 1796 nhưng dịch đậu mùa thỉnh thoảng vẫn bùng phát ở nhiều nơi. Sau gần 2 thế kỷ thực hiện tiêm chủng vắc xin, WHO chứng nhận đã tiêu diệt được bệnh đậu mùa vào năm 1979.

SỐT VÀNG DA: Sốt vàng da là chứng bệnh sốt gây vàng da do siêu vi trùng thuộc họ Flaviviridae gây ra. Đây là một chứng bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm lây truyền qua vật chủ trung gian là muỗi.

Siêu vi trùng này gây ra hiện tượng chảy máu trong và suy gan trầm trọng và dấu hiệu dễ nhận biết nhất là da bệnh nhân chuyển sang màu vàng. Sốt vàng từng gây nhiều trận đại dịch tàn khốc, giết hại hàng triệu người. Trong thế kỷ 18, sốt vàng lan tràn tại Ý, Pháp, Tây Ban Nha và Anh, đặc biệt là trong thời kỳ hoàng đế Napoleon thống trị.

Vào thế kỷ 19, khoảng 300.000 người Tây Ban Nha chết vì sốt vàng da. Trong thời kỳ cách mạng Haiti năm 1802, gần nửa đội quân viễn chinh Pháp bị chết vì sốt vàng da. Sốt vàng tiếp tục gây tử vong khắp nơi cho đến thế kỷ 20 khi khoa học khám phá ra bệnh lây do muỗi đốt và nghiên cứu được phương cách phòng chống bằng vắc-xin.

Cuộc tìm kiếm vắc-xin ngừa sốt vàng tốn rất nhiều công sức và hy sinh của nhiều người, trong đó có bác sĩ Cuba Carlos Finlay và bác sĩ người Mỹ Walter Reed. Tuy vậy hiện nay dịch sốt vàng da vẫn còn xuất hiện ở nhiều nước tại châu Phi và Nam Mỹ. Năm 2001, WHO ước tính có khoảng 200.000 người bị sốt vàng da và 30.000 tử vong.

CÁI CHẾT ĐEN: Cái chết Đen là tên gọi của một đại dịch xảy ra ở châu Á và châu Âu trong thế kỷ 14 mà đỉnh điểm là ở châu Âu từ năm 1348 đến năm 1350.

Cái chết Đen được coi là một trong những đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại, ước tính nạn dịch này đã giết chết từ 30 tới 60% dân số của châu Âu và giảm dân số toàn cầu từ khoảng 450 triệu người xuống còn từ 350 đến 375 triệu người vào năm 1400.

Triệu chứng của Cái chết Đen là những hạch bạch huyết bị sưng to, sốt, ho ra máu và khó thở dẫn đến tử vong. Địa điểm bùng phát của Cái chết Đen thường được cho là ở Trung Á, sau đó căn bệnh này thông qua loài chuột trên các tàu buôn đã lan đến bán đảo Crimea vào năm 1346 rồi xâm nhập vào vùng Địa Trung Hải và châu Âu.

Sự tàn phá khủng khiếp của Cái chết Đen đã dẫn đến nhiều thay đổi lớn trong xã hội châu Âu như việc ra đời của nhiều tôn giáo mới hay sự chuyển đổi về cơ bản của kinh tế và xã hội châu Âu, tạo ra những ảnh hưởng sâu sắc tới tiến trình lịch sử của châu lục này.

Ước tính châu Âu đã phải mất tới 150 năm để phục hồi dân số như trước thời gian đại dịch, sau này dịch hạch còn nhiều lần bùng phát trở lại tại đây và nó chỉ biến mất vào thế kỷ 19.

Trước đây, nhiều người cho rằng nguyên nhân của đại dịch này là sự bùng phát của bệnh dịch hạch do vi khuẩn Yersinia pestis gây ra. Tuy nhiên cho đến thời gian gần đây đã có những ý kiến nghi ngờ quan điểm này. Nhờ sự tiến bộ của y học, các triệu chứng của bệnh này thường được phát hiện và điều trị sớm, và đại dịch này rất khó để có thể bùng nổ trở lại.

ĐẠI DỊCH CÚM NĂM 1918: Đại dịch này có nhiều tên gọi khác nhau, như Dịch cúm Tây Ban Nha hay Dịch cúm 1918, và nó là một trong những đại dịch kinh hoàng khiến nhiều người chết nhất trong lịch sử loài người.

Đại dịch cúm năm 1918 cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người.
Đại dịch cúm năm 1918 cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người.

Mặc dù chỉ diễn ra trong vòng một năm, chủng virus cúm này đã gây ra cái chết cho 50-100 triệu người và nó lây lan nhanh chóng từ nước này sang nước khác theo bước chân của những người lính trở về nhà sau Thế Chiến I từ khắp nơi trên thế giới.

Triệu chứng của bệnh cúm này tương tự như các bệnh cúm hiện nay, tuy nhiên hiện tượng tích nước trong phổi của bệnh nhân là biến chứng nặng nề nhất của dịch cúm này khiến hàng triệu nạn nhân tử vong.

LAO PHỔI: Chủng vi khuẩn gây ra bệnh lao phổi đã được tìm thấy trong các xác ướp Ai Cập cổ đại, chứng tỏ rằng đại dịch này đã từng hoành hành trên Trái đất cách đây hàng ngàn năm. Bệnh lao phổi do một loại vi khuẩn phát tán trong không khí gây nên, và nó tấn công vào phổi của con người, gây suy yếu các cơ quan nội tạng, đau ngực, đổ mồ hôi đêm và ho dữ dội.

Trong thế kỷ 19, lao phổi đã cướp đi sinh mạng của 1/4 người trưởng thành ở châu Âu, và đến năm 1918, một phần sáu số người tử vong ở Pháp là do lao phổi gây ra.

Ngày nay, lao phổi vẫn chưa bị loại trừ và vẫn còn lây nhiễm cho khoảng 8 triệu người mỗi năm, khiến khoảng 2 triệu người thiệt mạng.

THƯ KỲ
(Tổng hợp)


10 đại dịch nguy hiểm giết chết hàng chục triệu người - Kỳ 1

10 đại dịch nguy hiểm giết chết hàng chục triệu người - Kỳ 2

.
.
.