Sự cố kinh hoàng tàu ngầm hạt nhân Mỹ
Năm 2005, tàu ngầm hạt nhân USS San Francisco đang di chuyển ở vùng biển Đông Nam đảo Guam thì va phải một ngọn núi ngầm dưới biển. Con tàu bị nát toàn bộ phần mũi, 98 thủy thủ bị thương và 1 người thiệt mạng.
Tàu USS San Francisco toét đầu sau va chạm. |
Tàu USS San Francisco là tàu ngầm hạt nhân lớp Los Angeles, được chế tạo trong thập niên 1970 với chi phí 1 tỷ USD. Các tàu ngầm lớp Los Angeles được chế tạo từ năm 1976-1996, tổng số 62 chiếc và hiện còn 32 chiếc hoạt động, một trong số đó là tàu USS San Francisco.
Con tàu dài 110m, nặng 6.145 tấn khi tải và có thể chở 130 thủy thủ. USS San Francisco thường hoạt động ở độ sâu 200m. Là tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nên tàu có thể lặn dưới biển vài tháng liên tục và chỉ cần trồi lên khi hết thực phẩm, nước uống.
Tàu San Francisco được cải tiến vào năm 1990, và không phải trải qua bất cứ cuộc đại tu nào cho đến khi xảy ra sự cố vào năm 2005. Mang trên mình thương tích nặng nề, USS San Franciscos đã được 2 tàu kéo đưa về cảng Apra ở Guam để sửa chữa.
Tháng 12-2002, USS San Francisco được chuyển về “nhà” mới là căn cứ trên đảo Guam. Đây là con tàu ngầm thứ 2 đóng quân tại đảo. Ngày 8-1-2005, tàu USS San Francisco hoạt động cách đảo Guam chừng 350 dặm về phía Đông Nam. Con tàu đang từ Guam hướng tới Australia trong một chuyến thăm, di chuyển ở tốc độ tối đa dưới độ sâu 160m gần quần đảo Carolina.
Do đang phóng với tốc độ nhanh, tàu đã va phải một ngọn núi ngầm và bị phá hủy nặng nề ở phần mũi. Những thiệt hại nặng trông có vẻ chỉ như “ngoài da”, thân chính của tàu không bị ảnh hưởng và rất may là lò phản ứng vẫn an toàn sau va chạm. Hư hại nghiêm trọng nhất với tàu là ở hệ thống sonar (định vị thủy âm) và những bồn chứa đá dằn ở phía đầu, có thể ảnh hưởng tới năng lực của tàu trong việc xác định lực đẩy nổi trước khi trồi lên.
Va đụng mạnh cũng khiến 98 thủy thủ bị thương và 1 trong số đó thiệt mạng. Nhiều thủy thủ bị bắn văng xa 20-25m, máu vương vãi khắp sàn tàu. Hầu hết họ chịu những vết rách, chấn thương lưng và gãy xương. Thủy thủ thiệt mạng là Joseph Allen Ashley tử vong ngày hôm sau do chấn thương nặng ở đầu.
Tàu USS San Francisco phát đi sóng âm thanh kêu cứu, nhưng nhanh chóng nhận ra rằng không có bất cứ tàu nào hoạt động gần khu vực, trong khi tàu còn cách vài trăm dặm nữa mới về tới cảng nhà. Các thủy thủ đã mất nhiều giờ để tái khởi động lại con tàu.
Tàu San Francisco được hộ tống về cảng Apra, Guam. |
Ashley được làm thủ thuật mở khí quản để giúp anh tiếp tục thở. Sau đó, trực thăng khẩn cấp sẽ tới đón nạn nhân nguy kịch khỏi tàu và Asley cần di chuyển tới nơi mà trực thăng sẽ đón ở trên boong. Nhưng không may, các thủy thủ đã không thể đưa được Ashley qua cửa sập vì nước đã tràn vào. Anh lại phải quay trở lại khoang tàu ngầm và không qua khỏi vào ngày hôm sau.
USS San Francisco đã mất 52 giờ để quay trở lại đảo Guam. Bình thường tàu di chuyển với vận tốc khoảng 64km/giờ nhưng trong chuyến trở về với vết thương trên mình, tàu chỉ đi được khoảng 16km/giờ.
Hải quân Mỹ sau đó xác định, chỉ huy tàu Kevin Mooney là người chịu trách nhiệm, do đánh giá sai lầm đã dẫn tới tai nạn. Thông thường, thiết bị định vị thủy âm có thể phát hiện chướng ngại vật trong nước, tuy nhiên, tín hiệu sóng âm lại có thể bị phát hiện, dẫn đến nguy cơ bị kẻ địch lần ra vị trí của tàu. Do vậy, các tàu ngầm thường cố gắng hoạt động yên lặng và lặn thật sâu.
Tàu USS San Francisco được sửa chữa tạm thời tại Guam, trước khi di chuyển tới xưởng đóng tàu hải quân Puget Sound ở bang Washington. Đầu những năm 2000, hải quân Mỹ đã phải thay thế nhiên liệu hạt nhân trên tàu và quyết định thay phần mũi tàu từ tàu ngầm USS Honolulu vừa nghỉ hưu sang tàu San Francisco. Chỉ riêng chi phí cho việc này đã mất 134 triệu USD. Ngoài ra, chi phí thay hệ thống nhiên liệu hạt nhân cho tàu tốn kém thêm 170 triệu USD.
Con tàu rời cảng Puget Sound vào tháng 10-2008 và trở lại hoạt động đầy đủ chức năng từ tháng 4-2009.
THU HẰNG (Báo Tin tức)