.

Sao chép trí tuệ được không?

Cập nhật: 08:30, 23/03/2018 (GMT+7)

Tạp chí Tin Khoa học (The Science News) xuất bản tại Mỹ đã đăng tải một công trình nghiên cứu của bộ môn Trí tuệ nhân tạo, Đại học Southwest Pacific University (SPU). Nội dung cho biết các nhà khoa học đã thành công trong việc “chép” lại kiến thức từ não của con tinh tinh này sang não của con tinh tinh khác. Kết quả là não của con tinh tinh được “chép” kiến thức có thể hành xử một số việc mặc dù trước đó, nó chưa từng biết phải làm thế nào.

TỪ MỘT THÍ NGHIỆM TRÊN TINH TINH

Nhóm tinh tinh biết bú bình sữa vì được cho là đã “chép” thông tin từ một con chủ.
Nhóm tinh tinh biết bú bình sữa vì được cho là đã “chép” thông tin từ một con chủ.

Theo The Science News, sự thành công của việc “sao chép” này đã mở ra một triển vọng mới: Ấy là trong tương lai, con người có thể sẽ chẳng cần đi học mà vẫn trở thành những chuyên gia trong nhiều lĩnh vực!

Sự việc khởi đầu khi các nhà khoa học thuộc bộ môn Trí tuệ nhân tạo, Đại học SPU làm một thí nghiệm: Trong chuồng nuôi nhốt một con tinh tinh (là loài động vật có một số hành động giống như người), tên là Kanzi, họ đặt cố định một cái ống bằng nhựa trong suốt, đường kính 15cm, cao 1,2m, đáy ống có một quả cam, còn bên cạnh, họ đặt một thùng chứa 4 lít nước. Suốt ngày hôm đó, qua quan sát, họ thấy con Kanzi dù rất muốn nhưng không thể với tay đến đáy ống để lấy được quả cam, còn thùng nước thì nó chẳng ngó ngàng gì. Nhiều lần nó cố đập vỡ cái ống mà không thành công.

Sau đó, một nhà khoa học trong nhóm thí nghiệm bước vào chuồng. Trước mặt Kanzi, ông ta đổ nước vào ống. Quả cam nổi lên và Kanzi dễ dàng đưa tay cầm lấy. Hôm sau nữa, thí nghiệm được lặp lại và lần này, Kanzi đã biết cách sử dụng bình nước để có thể lấy được quả cam. 

Tiến hành đặt các điện cực ghi sóng điện não của con Kanzi, các nhà khoa học thu được kết quả, biểu  thị sự “suy nghĩ” của con vật lúc nhìn thấy cái ống có chứa quả cam và thùng nước. Với 6 lần ghi sóng điện não, họ nhận thấy “suy nghĩ” của Kanzi đều giống nhau - nghĩa là nếu muốn ăn cam thì phải đổ nước. Tiến sĩ Mc Prius, người đứng đầu nhóm thí nghiệm nói: “Vẫn với cái ống chứa quả cam và bình nước, chúng tôi mang vào chuồng nuôi một con tinh tinh khác, tên là Koko. Cũng như con Kanzi, khi không thể thò tay lấy quả cam được, Koko tìm cách bóp, đập vỡ ống. Tuy nhiên, khi chúng tôi gắn các điện cực vào đầu nó rồi truyền đi tín hiệu thu được từ não của con Kanzi thì sau một lúc, con Koko cầm lấy bình nước, đổ vào ống”.

Để xác định có thể “chép” được những “suy nghĩ” từ bộ não của con tinh tinh này sang não của một con tinh tinh khác, nhóm nghiên cứu tiếp tục làm thêm một thí nghiệm. Lần này họ đưa vào chuồng con Koko một cái chảo gồm những miếng táo lẫn bí xanh luộc vẫn còn rất nóng. Koko mấy lần đưa tay định bốc nhưng lần nào cũng phải rụt tay lại. Khi chảo đã gần nguội, họ mang ra rồi thay bằng một chảo nóng khác. Tiến sĩ Mc Prius nói: “Sau ba lần nó không ăn được, lần thứ tư tôi cầm theo một cái nĩa. Trước mặt nó, tôi dùng nĩa xiên một miếng táo đã luộc chín rồi đưa lên miệng. Và khi tôi vừa bỏ cái nĩa xuống thì nó liền cầm lấy. Giống như tôi, nó dùng nĩa xiên vào miếng táo”.

Ghi lại sóng điện não của con Koko, nhóm nghiên cứu “chép” cho con Kanzi. Nhìn thấy chảo táo nóng và cái nĩa, sau những phút ngập ngừng, Kanzi cầm nĩa xiên vào táo. Kể cả 3 tháng sau đó, khi lặp lại thí nghiệm thì cả hai con Kanzi, Koko vẫn nhớ động tác nêu trên. Tiến sĩ Mc Prius nói: “Kết quả nghiên cứu cho thấy khi đã “chép” thông tin vào não thì nó sẽ được lưu trữ ở vỏ não rồi nếu gặp trường hợp cần đến thông tin ấy - cho dù là một thời gian sau - não vẫn sẽ “trích xuất”, giúp con vật biết cách phải làm thế nào…”.

Mặc dù mới chỉ thí nghiệm trên loài tinh tinh nhưng theo tiến sĩ Mc Prius, nó đã mở ra một triển vọng nếu áp dụng vào con người. Ông nói: “Thí dụ chúng tôi cho một người Pháp đọc một cuốn sách tiếng Pháp và trong quá trình “đọc - hiểu” ấy, chúng tôi ghi lại sóng điện não của họ. Sau đó, chúng tôi “chép” sóng này vào não một người khác thì khả năng rất có thể xảy ra là người ấy sẽ đọc thông, hiểu thạo ngôn ngữ Pháp cho dù họ chưa hề học tiếng Pháp bao giờ”.

Thế nhưng, những khảo sát của tiến sĩ Mc Prius đã gặp phải sự phản bác của nhiều nhà khoa học, đặc biệt là những nhà khoa học chuyên về thần kinh não bộ, mặc dù nhiều thí nghiệm của Mc Prius cùng các cộng sự cho thấy loài tinh tinh có thể bưng ly nước lên uống, hoặc cả nhóm tinh tinh đều biết cách bú bình sữa sau khi được “chép” thông tin từ con tinh tinh chủ.

KHÓ ÁP DỤNG VỚI CON NGƯỜI

Con Koko biết cách cầm nĩa xiên miếng táo nóng sau khi được “chép” thông tin từ con Kanzi.
Con Koko biết cách cầm nĩa xiên miếng táo nóng sau khi được “chép” thông tin từ con Kanzi.

Giáo sư William Nelson, Khoa Thần kinh Bệnh viện Đại học Y khoa John Hopkins - là nơi chuyên khám và điều trị cho các đời tổng thống Mỹ nói: “Tinh tinh - cũng như tất cả các loài động vật khác đều hành xử theo bản năng. Hành động đổ nước vào bình để lấy quả cam, hoặc dùng nĩa xiên miếng táo còn nóng chỉ là bản năng bắt chước chứ không phải là tư duy. Bản năng ấy di truyền từ thế hệ nọ qua thế hệ kia và phản ứng nhanh hay chậm là tùy vào từng con vật”. Não bộ con người hoạt động theo một cơ chế cực kỳ phức tạp và đến nay, y học mới chỉ khám phá được một phần rất nhỏ của cơ chế ấy. Thí dụ một bác sĩ thực hiện một ca phẫu thuật gan chẳng hạn, và vì đã được học hành bài bản nên khi cắt một phần thùy gan, ông ta chẳng cần phải nghĩ đến động mạch, tĩnh mạch gan nằm ở đâu bởi những cái đó đã in sâu trong đầu ông ta rồi. Giả sử nhóm nghiên cứu của Mc Prius lấy những thông tin từ vị bác sĩ trong cuộc mổ gan nói trên và “chép” cho một người chưa hề có chút kiến thức nào về giải phẫu học rồi đưa cho anh ta con dao mổ thì tôi tin chắc rằng người bệnh sẽ gặp đại họa.

Cũng cùng quan điểm như giáo sư Nelson, tiến sĩ George Osborn, Khoa bệnh lý thần kinh, Đại học Bradford, Anh quốc cho biết: “Luận thuyết của nhóm Mc Prius dựa trên hoạt động của máy tính vì khi copy một hay nhiều file nào đó trên máy tính A rồi chép sang máy tính B chẳng hạn thì máy tính B sẽ xử lý những file đó y hệt như máy tính A. Tuy nhiên, nếu ứng dụng cho con người thì đó là điều không tưởng. Bộ nhớ của máy tính có thể tiếp nhận hàng tỉ byte thông tin trong một khoảng thời gian cực ngắn tùy theo “chip” vi xử lý nhưng não bộ con người thì không. Trong một khoảng thời gian cực ngắn, nếu nhồi vào não một lượng thông tin quá khả năng tiếp nhận của nó, sẽ xảy ra rối loạn nhận thức…”.

Vậy tại sao khi Mc Prius “chép” thông tin từ con Kanzi vào con Koko thì nó lại biết cách dùng bình nước để lấy quả cam? Tiến sĩ George Osborn giải thích: Việc gắn điện cực vào não con vật chỉ là động tác nhằm chứng minh thí nghiệm của Mc Prius có tính khoa học. Các khảo sát của hai nhà tâm lý học nổi tiếng thế giới là Wolfgang Köhler và Robert Yerkes đã cho thấy trong nhiều trường hợp, tinh tinh biểu lộ hành vi thông minh tương tự như loài người, và có thể coi nó như một dạng “người” đặc biệt. Sự thông minh ấy di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Con Kanzi chẳng hạn, nếu cứ để tự nhiên cho nó thì cuối cùng nó cũng tìm ra cách đổ nước vào ống để lấy quả cam dù phải mất vài ngày, còn Koko có hành vi thông minh nhanh hơn nên nó làm ngay lập tức…

Cuối cùng, Tiến sĩ George Osborn kết luận việc thí nghiệm trên loài tinh tinh là có chủ đích vì đây là loài vật thông minh: “Chúng tôi đang chờ nhóm của ông Mc Prius thực hiện việc “chép” thông tin trên heo, bò, cừu… Và nếu nó hành xử được như Kanzi hay Koko thì lúc ấy mới có cơ sở để nhận định…”.

VŨ CAO
(Theo The Science News)

.
.
.