.

Lời cảnh báo từ "Ngày không nước" ở Cape Town

Cập nhật: 18:37, 21/03/2018 (GMT+7)

Viễn cảnh xảy ra “Ngày không nước” ở TP.Cape Town (Nam Phi) đang được xem là lời cảnh báo mạnh mẽ nhất về nguy cơ khủng hoảng nước sạch đe dọa hàng loạt đô thị lớn trên thế giới.

THẢM HỌA QUỐC GIA 

Người dân Cape Town xếp hàng chờ lấy nước.
Người dân Cape Town xếp hàng chờ lấy nước.

Khoảng 4 triệu người dân ở Cape Town đang sử dụng nước rất dè sẻn. Theo yêu cầu của chính quyền địa phương, từ ngày 1-2, mỗi người dân không được dùng quá 50 lít nước/ngày để nấu ăn, rửa chén, vệ sinh... Trước đó, năm 2000, mỗi người dân Cape Town chỉ được tiêu thụ bình quân 300 lít nước/ngày. Đến năm 2014, giảm còn 200 lít và năm 2017, họ được khuyến cáo chỉ nên dùng 87 lít nước/ngày. Tuy đã giảm sử dụng nhưng Cape Town vẫn rơi vào tình trạng thiếu nước trầm trọng. Nguyên nhân được cho là, trong 15 năm qua, dân số tăng 25%, trong khi đó, cơ sở hạ tầng để dự trữ nước không theo kịp đà tăng dân số; nạn khô hạn kéo dài 3 năm qua cũng là một nguyên nhân.

Trong khi đó, các biện pháp hạn chế sử dụng nước chỉ mới được ban hành từ một năm nay đã khiến Cape Town không thể xoay xở được khi nguồn nước cung không thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân và lượng du khách đổ về hàng năm. Không riêng ở Cape Town, tình trạng thiếu nước sinh hoạt còn xảy ra tại nhiều địa phương của Nam Phi. Từ ngày 13-2, chính phủ nước này buộc phải tuyên bố tình trạng “thảm họa quốc gia” do nhiều địa phương trên cả nước rơi vào tình trạng không có nước sinh hoạt. Để đối phó với tình trạng trên, chính quyền Cape Town đang chuẩn bị những công đoạn cuối cùng để đưa nhà máy sản xuất nước ngọt bằng phương pháp tách muối từ nước biển đầu tiên đi vào hoạt động trong tháng 3 này.

“Ngày không nước” đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân Cape Town khi họ đang cố gắng tiết kiệm từng giọt nước cho sinh hoạt hàng ngày. Theo dự báo mới nhất, Cape Town sẽ là trở thành phố đầu tiên trên thế giới phải tạm cắt hoàn toàn nguồn nước máy sinh hoạt trong ngày 9-7. Thay vào đó, sẽ có khoảng 200 vòi nước công cộng được lắp đặt trên toàn thành phố để các gia đình đến lấy nước.

NƯỚC NGẦM BỊ LÃNG PHÍ

Vấn đề Cape Town đang đối mặt cũng là vấn đề mà nhiều TP khác trên thế giới gặp phải khi đã và đang trong giai đoạn phát triển. Nguồn nước sẽ không đủ cung cấp cho một lượng dân số gia tăng nhanh trong bối cảnh Trái đất nóng dần lên khiến các đợt khô hạn xảy ra thường xuyên hơn.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Trường Đại học Kassel (Đức), khoảng 1/4 TP trên thế giới sẽ thiếu nước sinh hoạt trong vòng 30 năm tới. Còn hãng tin BBC dự báo, các TP có nguy cơ rơi vào tình trạng như Cape Town còn có Sao Paulo, Bắc Kinh, Cairo, Jakarta, Istanbul, Mexico City, London và Miami.

Theo LHQ, nguyên nhân dẫn đến việc thiếu nước là do tuy sở hữu nguồn nước ngọt dồi dào nhưng các TP lại phân bổ không đồng đều và quản lý thiếu hiệu quả. LHQ cho biết, nhu cầu sử dụng nước ngọt toàn cầu đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 1964 - 2014 do dân số tăng, đô thị hóa, công nghiệp hóa, sản xuất và tiêu dùng tăng. Nhu cầu nước ngọt tại các TP được dự đoán sẽ tăng 50% vào năm 2030.

Một nguyên nhân khác dẫn tới tình trạng khan hiếm nguồn nước sạch là do trữ lượng nước trong các mạch nước ngầm sụt giảm nghiêm trọng. Các mạch nước ngầm vốn chiếm tới 30% lượng nước dự trữ của hành tinh, song lượng nước được lấy đi vượt quá lượng nước bổ sung nhờ mưa.

Theo chuyên gia Fred Boltx, người đứng đầu lĩnh vực nghiên cứu khoa học và môi trường của Quỹ Rockefeller, do không nhìn thấy nước ngầm nên con người không thể đánh giá một cách chính xác cũng như không nhận thức được tình trạng cạn kiệt. Vì vậy, nước ngầm bị sử dụng lãng phí và đang suy giảm ở tốc độ rất nhanh.

Hiện tượng biến đổi khí hậu còn khiến tình hình thêm nghiêm trọng khi tình trạng khô hạn và hơi nước bốc nhanh sẽ đan xen ngày càng nhiều. Theo tạp chí khoa học Nature Climate Change, nhiệt độ Trái đất chỉ cần tăng thêm 2°C là có thể khiến thế giới khô cằn và giống sa mạc hơn. Theo đó, hơn 25% diện tích mặt đất - nơi sinh sống của hơn 1,5 tỷ người, sẽ trở nên khô hạn trong lúc cháy rừng có thể xảy ra tràn lan. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng phát hiện nếu hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái đất ở 1,5°C, vùng đất bị đe dọa sẽ giảm đáng kể, tới 2/3.

Các nhà khoa học nói rằng, viễn cảnh một thế giới khô cằn hơn có thể trở thành hiện thực và những cảnh tượng như trong đợt cháy rừng thảm khốc xảy ra năm 2017 có thể trở nên phổ biến hơn. Hiệp định Paris từng được ký kết năm 2015 đặt mục tiêu giữ nhiệt độ bình quân toàn cầu tăng không quá 2°C, trong lúc theo đuổi nỗ lực hạn chế mức tăng này ở 1,5°C. Giờ đây, kết quả nghiên cứu nói trên cho thấy, mục tiêu giữ nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5°C càng quan trọng hơn bao giờ hết.

THANH HẰNG

 
.
.
.