Ma trận lừa đảo trực tuyến

Thứ Năm, 15/05/2025, 16:16 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo trực tuyến đã sử dụng thủ đoạn tinh vi kết hợp công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản của nhiều người. Do đó, người dân cần nâng cao cảnh giác với loại tội phạm này.

Đối tượng lừa đảo giả cán bộ công an để gọi cho phụ huynh học sinh.
Đối tượng lừa đảo giả cán bộ công an để gọi cho phụ huynh học sinh.

Nhận diện thủ đoạn mới

Công an tỉnh vừa phát đi thông báo, hiện nay, lợi dụng thời điểm tuyển sinh vào lớp 6 và lớp 10, các đối tượng giả cảnh sát khu vực của công an phường, xã, thị trấn gọi điện yêu cầu phụ huynh cập nhật định danh điện tử mức 2 của HS để bổ sung hồ sơ thi gấp trong ngày.

Đối tượng lừa đảo giả cán bộ công an để gọi cho phụ huynh học sinh.
Văn bản giả ngân hàng các đối tượng lừa đảo gửi cho nạn nhân.

Đáng chú ý, đối tượng yêu cầu phụ huynh gọi video để cố tình cho xem hình ảnh nhiều người mặc sắc phục giống công an đang làm việc ở trụ sở (đây là clip cắt ghép) để tạo lòng tin... Sau đó, đối tượng dẫn dụ phụ huynh cài đặt "dịch vụ công trực tuyến" (app ảo). Trong quá trình thao tác, phụ huynh vô tình cung cấp số tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng. Nguy hiểm hơn là phụ huynh tự chụp ảnh nhận dạng khuôn mặt gửi vào app ảo này giúp đối tượng rút sạch tiền trong tài khoản ngân hàng. Đã có nhiều người bị lừa từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng.

May mắn không là nạn nhân của đối tượng lừa đảo, chị Lê Thị Dung (trú phường 11, TP.Vũng Tàu) cho biết, năm nay, con chị tuyển sinh vào lớp 6. Đầu tháng 5, chị nhận được cuộc gọi của một người tự xưng là cán bộ công an phường 11, yêu cầu bổ sung thông tin cho con.

“Thông tin của con tôi đã được cô giáo chủ nhiệm nhắc bổ sung từ giữa năm học lớp 5. Vậy nên, khi nhận được cuộc gọi từ công an tôi có chút phân vân, hoài nghi nên tắt máy và báo công an phường thì được biết, đó là thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo”, chị Dung nói. 

Qua công tác nghiệp vụ Công an tỉnh nắm được, những ngày gần đây, xuất hiện thủ đoạn lừa đảo mới đó là đối tượng giả danh ban thanh tra ngân hàng. Các đối tượng gọi điện báo cho nạn nhân "thẻ ngân hàng vừa có biến động số dư bất thường, nghi bị đánh cắp tài khoản." Khi nạn nhân tỏ ra lo lắng, đối tượng nói sẽ hướng dẫn bảo vệ tài khoản cho họ và gửi kết bạn zalo. Sau đó, đối tượng gửi file PDF "quyết định phong tỏa" tài khoản cho nạn nhân. Tiếp đó, đối tượng hướng dẫn nạn nhân đăng nhập app ngân hàng và làm theo "quy trình hủy thẻ, bảo toàn tài khoản". Thực chất đối tượng đang dẫn dụ nạn nhân vào app phần mềm giả để tiền tự trôi khỏi tài khoản.

Nâng cao cảnh giác

Theo Công an tỉnh, hiện nay, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo rất đa dạng như: lừa đảo tuyển sinh; mạo danh cơ quan chức năng, công ty quảng cáo dịch vụ “thu hồi vốn, lấy lại tiền bị lừa”; giả ban thanh tra ngân hàng; giả thông báo phạt nguội giao thông… với thủ đoạn rất tinh vi.

Đại tá Lý Xuân Cường, Trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh), khuyến cáo khi nhận được cuộc gọi lạ có biểu hiện nghi vấn đáng ngờ, người dân cần cảnh giác; không chuyển tiền, không cung cấp mọi thông tin, mã OTP, không truy cập vào đường link lạ và không làm theo bất cứ yêu cầu nào dù họ xưng là ai. Cơ quan công an, ngân hàng… không làm việc với người dân qua điện thoại hoặc mạng xã hội. Khi cần làm việc, cơ quan công an sẽ gửi thông báo chính thức về nơi cư trú.

Tuyệt đối không nghe theo, không liên hệ với các website, fanpage, tài khoản mạng xã hội quảng cáo dịch vụ “tiếp nhận hồ sơ”, “hỗ trợ lấy lại tiền bị treo”, “thu hồi tiền lừa đảo”... trên không gian mạng. Người dân cần trực tiếp đến các cơ quan công an nơi gần nhất để trình báo hoặc gửi đơn, thư theo đường bưu chính về các vụ việc lừa đảo để được tiếp nhận, giải quyết.

Bài, ảnh: PHƯỚC AN

;
.