Nhận diện kịch bản lừa đảo của shipper giả

Thứ Ba, 11/02/2025, 17:45 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ người dân bị các đối tượng giả danh shipper gọi điện thông báo có đơn đặt hàng, rồi yêu cầu chuyển tiền thanh toán để lừa đảo. Người dân cần hết sức cảnh giác với chiêu trò lừa đảo tinh vi này.

Thủ đoạn giả danh shipper lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thủ đoạn tinh vi

Mới đây, anh L.M.T. (phường Thắng Nhì, TP.Vũng Tàu) nhận được cuộc gọi từ số 0329.895… xưng là shipper giao đơn hàng có số tiền thanh toán là 108 ngàn đồng. Do không có nhà, anh T. đã chuyển khoản thanh toán tiền hàng cho shipper và nhờ người này bỏ giúp gói hàng vào thùng thư trước nhà.  

Tuy nhiên, khác những lần thanh toán mua hàng online trước đây, lần này sau khi chuyển tiền, anh T. nhận được tin nhắn từ shipper với nội dung, đã gửi nhầm số tài khoản thẻ hội viên “Giao hàng tiết kiệm”. Do đó, trung tâm giao hàng sẽ kích hoạt gói cước hội viên, mỗi tháng tự động trừ 3,5 triệu đồng từ tài khoản của anh T. Nếu không thanh toán, anh T. sẽ bị ghi nợ xấu. Người này còn gửi kèm đường link, giới thiệu là website của trung tâm vận chuyển để anh T. liên hệ hủy đăng ký hội viên.

Sau đó, đối tượng giả danh shipper liên tục gọi điện thúc giục anh T. nhấp vào đường link trên để nhắn tin hủy đăng ký và đăng nhập app ngân hàng, hướng dẫn nhập mã xác thực (gồm dãy số 6 ký tự), rồi ấn chuyển tiền mà không cần ghi bất kỳ nội dung gì. Do nghi ngờ, anh T. kiểm tra trang website “Giao hàng tiết kiệm” mà đối tượng giả danh shipper cung cấp, đồng thời, liên hệ tổng đài của trung tâm vận chuyển để xác minh số điện thoại thì phát hiện bị lừa nên dừng mọi thao tác.

Còn nhớ, cũng với chiêu trò lừa đảo tương tự, đầu tháng 11/2024, một phụ nữ tên T. ở phường Rạch Dừa (TP.Vũng Tàu) đã bị chiếm đoạt 145 triệu đồng sau khi làm theo hướng dẫn của sipper giả và bị chiếm quyền điện thoại, truy cập vào app ngân hàng và bị rút tiền trong tài khoản.

Luật sư Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh cho biết, theo quy định của pháp luật, nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định với 4 khung hình phạt gồm: Phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; Phạt tù từ 2-7 năm; Phạt tù từ 7-15 năm; Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, còn áp dụng thêm các hình phạt bổ sung.
Trường hợp chưa đủ các điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự thì người có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 1, Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Đừng theo hướng dẫn, đừng bấm vào link lạ

Đừng theo hướng dẫn, đừng bấm vào link lạ-đó là cách phòng vệ tốt nhất trước nạn lừa đảo công nghệ đang hoành hành hiện nay. Thông thường, đối tượng lừa đảo sẽ lợi dụng tâm lý hoảng loạn của người dùng khi bị đe dọa và dẫn dụ họ vào các kịch bản lừa đảo. Trong kịch bản đó, đối tượng lừa đảo sẽ gửi tin nhắn có đường link (vào website giả mạo) chứa các đoạn mã độc để đánh cắp thông tin hoặc chiếm quyền sử dụng điện thoại.

Tuy nhiên, kể cả khi đã vô tình nhấp vào đường link mà kẻ lừa đảo gửi, nhưng nếu người dùng không thực hiện các yêu cầu xác nhận bảo mật bằng tin nhắn điện thoại hay bằng sinh trắc học (vân tay, nhận diện khuôn mặt) thì vẫn tránh được nguy cơ bị rút tiền trong tài khoản.

Do đó, nếu đã lỡ nhấp vào link thì hãy dừng ngay mọi thao tác, xóa toàn bộ tin nhắn của đối tượng gửi đến và khởi động lại điện thoại. Kỹ hơn, có thể reset lại điện thoại về chế độ của nhà sản xuất (lưu ý, thao tác này sẽ làm mất toàn bộ dữ liệu của người dùng trong điện thoại). Nên để tránh các phiền phức, người dùng nên nhờ những người đáng tin cậy và am hiểu về  điện thoại hướng dẫn thao tác cách loại bỏ triệt để mã độc.

Đối với nạn sipper lừa đảo chuyển tiền ship: “Cứ yêu cầu chụp hình ảnh kiện hàng gửi qua zalo. Thậm chí yêu cầu chụp luôn không gian nơi mình sinh sống để chắc chắn đúng kiện hàng mình đặt, đúng địa chỉ nhà mình. Thậm chí, có thể gọi điện thoại cho đơn vị bán hàng để kiểm tra thông tin”, chị Thảo, một người có kinh nghiệm phòng tránh nạn sipper lừa đảo chia sẻ cách phòng vệ, “Thông thường, khi bị yêu cầu chụp ảnh kiện hàng, đối tượng lừa đảo sẽ bỏ cuộc”.

Ngoài các giải pháp nói trên, khi phát hiện các hành vi và thủ đoạn lừa đảo, người dân nên chủ động cung cấp thông tin vụ việc cho lực lượng Công an nơi gần nhất. Đồng thời, tích cực cảnh báo người thân về những thủ đoạn này để nêu cao tinh thần cảnh giác của mọi người. 

Bài, ảnh: MẠNH VŨ

;
.