Những ngày giáp Tết Ất Tỵ, dòng người hối hả mưu sinh, mua sắm hàng hóa, về quê đón Tết trở nên đông đúc, nhộn nhịp hơn. Điều đó đồng nghĩa, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cũng nhiều hơn, kéo theo nguy cơ mất an toàn giao thông cao hơn.
Xe gắn máy chở ống nhựa cồng kềnh lao vun vút trên đường Trường Chinh, TP.Bà Rịa. |
Mất an toàn vì vội mưu sinh
Tết đến mang đến không khí tưng bừng, nhưng ẩn sau đó là nỗi lo về tai nạn giao thông gia tăng. Áp lực cuộc sống, mưu sinh khiến nhiều người phải tất bật làm việc, kiếm thêm thu nhập để có cái Tết đủ đầy, dẫn đến tình trạng vội vã, thiếu tập trung khi tham gia giao thông. Tình trạng chở hàng cồng kềnh, vượt đèn đỏ, đi sai làn đường trở nên phổ biến, gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh.
Tại trung tâm TP.Bà Rịa, phóng viên ghi nhận không ít trường hợp vi phạm an toàn giao thông. Chẳng hạn, hai thanh niên đi xe máy mang biển số 47-B2 214... chở theo cuộn nhựa nặng khoảng 30-40kg, dài 3m, phóng nhanh bất chấp nguy hiểm trên đường Trường Chinh. Trên đường số 3, ấp Bắc 3, xã Hòa Long, một người dân dùng xe kéo chở chậu cảnh lớn, buộc dây sơ sài đi giữa đường. Cạnh đó, chiếc xe tải mang biển số 61H-002... ngang nhiên đậu ngược chiều.
Anh Nguyễn Trung Xa, người dân xã Châu Pha, TX.Phú Mỹ chia sẻ: "Vài ngày trước, tôi qua khu vực hồ Đá Đen, xã Sông Xoài và Suối Nghệ, thấy nhiều xe tải chở đất đá nạo vét từ lòng hồ khiến đất, đá rơi vãi, gây nguy hiểm cho người đi đường".
Tương tự, chị Nguyễn Thị M., một người bán rau củ tại chợ Bà Rịa bức xúc: "Tôi thường đi giao hàng vào buổi chiều và gần sáng, chứng kiến nhiều xe máy kéo theo rơ moóc chở hàng nguy hiểm. Nhiều xe còn đậu ngược chiều để bốc dỡ hàng hóa, gây mất an toàn giao thông, đặc biệt trong dịp cận Tết, ai cũng tất bật, vội vã".
Tuyên truyền xây dựng ý thức và thói quen tốt
Để giảm thiểu tai nạn giao thông, cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn giao thông. Mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức, tuân thủ pháp luật giao thông và khuyến khích người thân, bạn bè làm điều tương tự.
Ông Dương Quang Tấn, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết: "Đầu năm 2024, Ban ATGT tỉnh đã triển khai Kế hoạch số 30/KH-BATGT nhằm đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên, công nhân và người dân. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ tính mạng, tài sản và phương tiện giao thông, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông".
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 410 vụ tại nạn giao thông đường bộ, làm 195 người chết, 288 người bị thương, hư hỏng 237 ô tô, 426 xe mô tô; giảm 53 vụ so với năm 2023. Cơ quan chức năng đã lập 2.029 biên bản vi phạm, ra quyết định xử phạt 2.029 trường hợp với số tiền hơn 8,7 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 1.645 trường hợp. Lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa không xảy ra tai nạn.
|
Ngoài ra, Ban ATGT tỉnh cũng phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm. Các giải pháp đã được triển khai như thực hiện Kế hoạch hành động số 134/KH-UBND nhằm đảm bảo trật tự giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030. Các đoàn kiểm tra liên ngành sẽ được duy trì trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và các sự kiện quan trọng.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền tiếp tục được đẩy mạnh qua các kênh trực tiếp và trên hệ thống website của Ban ATGT tỉnh, phối hợp với các địa phương xây dựng văn hóa giao thông an toàn. "Chúng tôi mong muốn mỗi người dân nâng cao ý thức, từ đó giảm thiểu tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương", ông Tấn chia sẻ.
Một cái Tết an toàn là món quà ý nghĩa nhất mà chúng ta có thể dành tặng cho gia đình và xã hội. Hãy cùng nhau chung tay xây dựng văn hóa giao thông văn minh, nơi mỗi người đều ý thức được tầm quan trọng của việc chấp hành luật lệ.
Bài, ảnh: VÕ ĐỨC