Công an tỉnh và các địa phương đã tăng cường tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng, nhưng nhiều người vẫn “sập bẫy”.
Đại diện Công an tỉnh tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn lừa đảo trực tuyến cho người dân trên địa bàn TP.Bà Rịa. |
Mạo danh công an để lừa đảo
Thủ đoạn mạo danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án lừa chuyển tiền án phí, chuyển tiền để điều tra chứng minh trong sạch không còn xa lạ. Tuy nhiên, vẫn nhiều người nhẹ dạ cả tin để rồi mất hàng trăm triệu đồng.
Ngày 23/10, ông N.H. (trú TX.Phú Mỹ) đang ở nhà thì số điện thoại 0345.813… gọi đến tự xưng là “Đại úy Nguyễn Thanh Tùng” cán bộ thuộc Cơ quan CSĐT Công an quận Hoàn Kiếm (TP.Hà Nội). Người này nói ông H. đang liên quan đến vụ án “Vận chuyển trái phép chất ma túy” và “Rửa tiền”. Đối tượng yêu cầu ông H. chuyển tiền qua số tài khoản tại một ngân hàng do người này chỉ định để chứng minh sự trong sạch của mình.
Theo hướng dẫn, ông H. đã chuyển cho đối tượng ba lần với tổng số tiền 450 triệu đồng. Thấy “ngon ăn” nên đến ngày 2/11, đối tượng tiếp tục gọi điện yêu cầu ông H. chuyển thêm tiền. Ông H. lúc này mới bừng tỉnh nhận ra bị lừa, nên đến Công an TX.Phú Mỹ trình báo.
Với thủ đoạn lừa đảo mạo danh cơ quan tố tụng, đại diện Công an tỉnh cho biết, trong quá trình tiếp xúc với các đối tượng qua điện thoại, trên không gian mạng, mỗi người cần nâng cao cảnh giác và ghi nhớ nguyên tắc, cán bộ cơ quan Nhà nước không làm việc qua mạng, qua điện thoại mà có lịch làm việc trực tiếp hoặc có giấy mời. Khi làm việc trực tiếp với người có thẩm quyền, người dân mới cung cấp thông tin cá nhân theo yêu cầu.
Bên cạnh đó, người dân không nên tự ý tải ứng dụng, truy cập vào đường link do các đối tượng lạ cung cấp để tránh bị đánh cắp thông tin hay mã độc xâm nhập vào hệ thống máy tính, điện thoại. Đồng thời, không chuyển tiền khi không biết đối tượng đó là ai, tránh bị lợi dụng lòng tin để lừa đảo.
Bị lừa qua Facebook
Thủ đoạn khác mà các đối tượng cũng hay sử dụng là hack tài khoản hoặc tạo một tài khoản giả mạo bạn bè, người thân của nạn nhân trên Facebook. Đơn cử, trưa 6/8, bà N.T.S.A. (SN 1965, ngụ huyện Long Điền) đang ở nhà thì nhận được tin nhắn messenger tên T.P.A. có hình đại diện là con gái bà. Bà A. nghĩ Facebook của con gái đang sinh sống tại Mỹ nhắn tin. Sau đó, tài khoản này yêu cầu bà chuyển tiền gấp để mua tiệm nail. Bà làm theo hướng dẫn và chuyển nhiều lần với tổng số hơn 1,2 tỷ đồng. Ngày 14/11, đối tượng tiếp tục nhắn tin yêu cầu chuyển thêm tiền, nên bà đã gọi điện cho con gái tại Mỹ thì phát hiện bị lừa nên bà đến Công an huyện Long Điền trình báo.
Từng là nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, tống tiền trên Facebook, anh H. (ngụ phường 7, TP.Vũng Tàu) cho biết, tối một ngày đầu tháng 11 vừa qua, khi anh đi công việc về thì nhận được tin nhắn của một tài khoản có trong danh mục bạn bè kèm những hình ảnh, clip nhạy cảm. Tài khoản này nhắn tin rằng, những hình ảnh, clip nhạy cảm là của anh. Đồng thời, yêu cầu anh chuyển tiền mua hàng... tặng chúng. Nếu không, chúng sẽ gửi những hình ảnh, clip nhạy cảm này cho bạn bè trong Facebook, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của anh.
Cơ quan công an khuyến cáo, người dùng mạng xã hội thường xuyên xem lại cài đặt quyền riêng tư trên Facebook để chắc chắn người lạ không thể xem thông tin cá nhân của mình; tạo mật khẩu mạnh, thiết lập xác thực hai yếu tố, không chia sẻ mã xác thực với bất cứ ai; không chia sẻ thông tin cá nhân như căn cước công dân trên mạng xã hội; thường xuyên lọc danh sách bạn bè, hủy kết bạn với những tài khoản lạ; tự kiểm chứng thông tin, báo cáo bài viết nếu thấy thông tin sai lệch bị lan truyền; không nhấp vào đường link lạ. |
Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Công an tỉnh) cho biết, hack tài khoản hoặc tạo một tài khoản giả mạo bạn bè, người thân của nạn nhân trên Facebook là một chiêu trò phổ biến nhưng lại khiến nhiều người dễ dàng sập bẫy. Nếu bất ngờ nhận được tin nhắn vay tiền từ người quen, người dân cần tỉnh táo gọi điện hoặc hỏi thêm thông tin để kiểm tra đối phương có thực sự là người mình biết.
Những kẻ lừa đảo sử dụng tài khoản Facebook bị hack để phát tán link độc hại ở nhiều nơi, từ các bài đăng có mức tương tác cao cho đến hội nhóm nhỏ. Nếu nhấp vào link, người dùng sẽ được chuyển đến một trang web giả mạo yêu cầu đăng nhập vào Facebook. Để tránh bị dính mã độc hoặc mất tài khoản, người dùng tuyệt đối không nên nhấn vào đường link có tên miền lạ.
Bài, ảnh: TRÍ NHÂN